Cứ đầu năm, vào dịp giêng hai, khắp cả nước Việt ta đều vào mùa lễ hội, , từ Nam ra Bắc từ xuôi lên ngược đâu đâu cũng có lễ hội tưng bừng. Có chừng 500 lễ hội chứ không ít. Miền Bắc có Hội Bát Tràng, hội Bạch Hạc, hội Bơi Thuyền, hội Bơi Đăm, hội Cầu Trâu, hội Chém Lợn, hội Chen, hội Chọi Trâu Đồ Sơn, hội Chùa Hương, hội Chùa Keo, hội Chùa Thầy…Miền Nam có Lễ dâng bông của người Khmer, hội Gò Tháp - Đồng Tháp, hội Sen Đolta, hội Chùa Bà, hội Chôl Chhnăm Thmây, hội Đua Ghe Ngo, hội Tầm Vu, hội Tứ Kiệt … Sự phong phú của lễ hội Việt chứng tỏ bản sắc văn hoá Việt rất đỗi đậm đà. Chơi hội cũng là chơi văn hoá, vừa hưởng thêm nhiều thú vui văn hoá Việt vừa tăng thêm tình yêu quê hương đất nước, rất hay.
Một khi nền kinh tế phát triển, cái ăn đỡ lo thì cái sự chơi bao giờ cũng được tính đến, âu cũng là lẽ thường. Tuy nhiên sự phát triển đột khởi hội làng trong những năm gần đây cho thấy nhiều điều đáng ngại. Những hội làng nhỏ, xưa nay ít ai để ý hoặc đã biến mất nay được dựng lại với qui mô rất lớn. Dân quê ta vốn vậy, con gà tức nhau tiếng gáy, làng người có hội to thì nhất định làng mình cũng phải có hội to. Mở hội cúng tế chơi bời, bày ra lắm trò cũng chỉ vì đua ganh với làng khác chứ không phải vì truyền thống là một cái dở. Một lần mở hội là một lần đóng góp, hội càng to đóng góp càng lớn, người giàu có không nói làm gì, người nghèo chịu sao cho thấu?
Những lễ hội truyền thống của làng nếu qui mô vừa và nhỏ mới cho ta sự đầm ấm của quê nhà, bản sắc văn hoá mỗi làng quê. Nhiều lễ hội vốn có qui mô lớn nay càng mở ra lớn hơn, xưa ba ngày nay mươi ngày nửa tháng. Cố phình to ra cho bằng thiên hạ không dưng rước lấy nhiêu khê, tốn kém, mất thời gian công sức mà bản sắc văn hoá làng cũng sẽ mờ nhạt, lẫn vào bao nhiêu hội hè tốn kém khác, tình quê theo đó cũng mờ nhạt theo.
Sự bạc màu của lễ hội mới là điều đáng lo nhất. Luỵ vào việc khuyếch trương du lịch, nhiều lễ hội còn lấy được kinh phí nhà nước tổ chức rất to. Có nơi còn biến lễ hội thành nơi kinh doanh bán vé thu tiền, không khí lễ hội thôn quê bị thị thành hoá, kinh tế hoá làm mất đi vẻ đẹp ngàn xưa của nó. Tốn kém là một chuyện, mất thời gian hao người tốn sức là một chuyện, điều quan trọng là nó làm văn hoá lễ hội phai nhạt đi, tính tâm linh cũng vì thế mà biến mất, chỉ còn trơ lại mỗi tính lỗ lãi.
Đi kèm với lễ hội thường là những hủ tục đã biến mất từ lâu nay có dịp sinh sôi nảy nở. Đấy là bói toán, lên đồng, bài bạc và mâm cỗ nhậu nhẹt ngày này qua ngày khác. Chưa bao giờ thấy tình trạng bài bạc lớn như ngày nay, cũng chưa bao giờ trò bói toán, hội lên đồng phát triển rầm rộ như ngày nay. Nhiều nơi có tổ chức như nghiệp đoàn, thậm chí có nơi còn lập cả công ty đồng bóng.
Nước ta đã có hơn 500 lễ hội thiết nghĩ đã quá nhiều, nếu còn phát triển thêm nữa, và sự phát triển chỉ vì nhu cầu kinh doanh du lịch chứ không phải vì nhu cầu văn hoá tâm linh của dân, sẽ rất không hay. Cho nên cũng cần xem xét lại, lễ hội nào cần giữ lễ hội nào nên bỏ đi, lễ hội nào cần phình to ra lễ hội nào nên thu nhỏ lại. Không nên để lễ hội tự phát bùng ra, không ai quản lý, quanh năm suốt tháng chỉ thấy ăn chơi, khi dân ta còn thiếu cái ăn cái mặc, tỉ lệ đói nghèo còn quá lớn. Và điều quan trọng là văn hoá lễ hội bị lợi dụng thành trò kinh doanh, nơi khoe mẽ và là mảnh đất màu mỡ cho những hủ tục sinh sôi, rất đáng sợ, đáng lo và đáng xấu hổ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét