Trước khi đọc bài Nhớ Trần Vũ Mai, mời bà con đọc tin của Sài gòn tiếp thị online vừa loan: Ngô Bảo Châu gịât giải Fields, giải Nobel giành cho Toán học: http://sgtt.vn/
Và Bee.net.vn tổ chức giao lưu trực tuyến với Đại tướng Võ Nguyên Giáp: http://bee.net.vn/channel/1983/201008/Anh-Van-va-tro-ly-Trinh-Nguyen-Huan-1764190/
Khoảng năm 79-80 gì đấy thế kỉ trước, mình học năm cuối Bách Khoa vẫn hay sang khu tập thể Vân Hồ chơi với mấy anh Hữu Thỉnh, Nguyễn Trọng Tạo, Thái Bá Lợi, Trung Trung Đỉnh… Khi đó họ là các nhà văn trẻ quân đội đang theo học trường viết văn Nguyễn Du khoá I. Một buổi tối mình được các anh cho ngồi nhậu cùng chiếu. Mình còn nhỏ, không biết uống rượu nhưng thích hóng chuyện, được ngồi hóng chuyện mấy ông nổi tiếng còn gì bằng.
Cũng như bất kì cuộc rượu nào của đám nhà văn, lúc đầu còn nói chuyện văn chương lịch sự nhã nhặn lắm, khen cũng nhã chê cũng nhã. Sau bỏ văn chương nhảy sang chuyện thế sự cũng là lúc rượu ngấm thì bắt đầu tranh luận, người nói chuyện này các ông không biết đâu, người nói mày thì biết cái gì. Đến khi say bỏ cả thế sự nhảy sang chuyện tư cách nhà văn, người bảo mày hèn, người bảo mày ngu, cãi nhau ỏm tỏi, có khi còn táng nhau nữa và rã đám.
Cuộc rượu hôm ấy cũng vậy, chẳng nhớ cãi nhau vì việc gì mà ném đũa đập bát rất kinh. Anh hất cả chén rượu lên mái nhà, nói tao tuy bất tài nhưng hèn thì không, anh kêu tiên sư mấy thằng ngu làm chúng ông khổ, anh hét đuổi cổ mấy thằng ngu ra khỏi hội nhà văn đi, nhục lắm. Tóm lại chẳng ai hèn cũng chẳng ai ngu nhưng cuộc rượu thì tan. Chỉ mỗi mình ngồi lại trên chiếu và một anh nằm co quắp nửa trong chiếu nửa ngoài đất. Mình không biết đó là ai. Mãi khi có ai đó kêu to, nói đưa Trần Vũ Mai vào nhà đi, để nó nằm ngoài sương chết thẳng cẳng giờ. Hình như anh Thái Vượng ôm Trần Vũ Mai vào nhà. Mình biết Trần Vũ Mai từ đêm ấy.
Biết là biết vậy chứ hoàn toàn chưa đọc của anh một cái gì. Cứ nghĩ anh này nổi tiếng vậy thôi chứ chẳng có gì đáng kể. Ở đời thường vậy, rất nhiều người nổi tiếng mà không biết họ nổi tiếng về cái gì, có cái gì để nổi tiếng. Hồi mình ở Huế có ông nhà thơ rất nổi tiếng, dân Huế không ai không biết, đăng đàn diễn thuyết rất hăng, giao du với các bậc đại ca văn chương, hạng nhà văn như mình anh không thèm đếm xỉa. Nghe nói anh vào Hội nhà văn trước 1975, danh tiếng nổi như cồn khắp miền Nam thời chống Mỹ. Ở Huế bốn năm mình chưa nghe anh đọc bài thơ nào, cũng không thấy anh in bài nào, hỏi anh có bài nào hay thì ai cũng đực ra rồi cười trừ, nói nhưng ông này ghê lắm đấy. Mình quyết tìm cho bằng được, hoá ra anh có hai tập thơ ronéo những năm 69-70, chẳng phải thơ, thứ ca dao hò vè tuyên truyền cổ động.
Nhưng Trần Vũ Mai không vậy. Một tháng sau mình thấy trường ca Ở làng Phước Hậu của Trần Vũ Mai ở phòng Hữu Thỉnh, lập tức nhét bụng đem về ngay. Đọc một lèo hết cả cuốn, bây giờ mới biết Trần Vũ Mai không thuộc típ nổi tiếng suông.
Trường ca Ở làng Phước Hậu của Trần Vũ Mai đến nay lớp trẻ 10 đứa thì 9 đứa không biết, nhưng nó là trường ca bề thế nhất, đúng chất trường ca nhất, trước đó chỉ là những bài thơ dài, nhờ vậy đã mở ra tạm gọi một trào lưu trường ca ra đời sau 1975. Nói thật, mình đọc các trường ca nổi tiếng sau này, hầu hết đều ảnh hưởng trường ca Ở làng Phước hậu, ít nhất về cấu trúc.
Sau này mình còn đọc thêm trường ca Nàng Chim lạc, các bài thơ Cực Nam, Trở lại Cực Nam, Thành phố nghiêng mình.., những truyện ngắn Bậc biển, Dắt đèn, Tâm hồn người bạn... cũng thích. Sáng tác của anh người thích kẻ không, tiếng tăm cũng không nhiều, nhưng nếu ai đọc kĩ anh sẽ thấy một tầm vóc đáng nể, một tâm hồn đáng yêu.
Sở dĩ phải nói dài dòng như vậy vì khi Trần Vũ Mai mất đi, mà ngay cả khi anh còn đang sống, rất ít người nhắc đến anh, kể cả những bạn bè của anh, suốt ngày bù khú rượu chè với anh cũng ít khi nhắc đến. Trong tất cả các tuyển tập hầu như vắng bóng anh, tuyển tập 45 năm văn học Khánh Hòa, mảnh đất mà anh đã từng sống chiến đấu và viết nhiều năm trời, có thể nói nửa cuộc đời anh đã cùng đổ mồ hôi cùng sôi giọt máu với Khánh Hoà, cũng không có tên anh. Rất lạ.
Mình không thân anh, chơi bời với anh cũng ít nhưng quí anh, cả tài và tình mình đều quí. Năm 1985 mình mới nổi có dăm ba truyện ngắn in ở báo Văn nghệ, các anh lớp trước đa phần đều khen theo kiểu xoa đầu, nói cũng được đấy, khá đấy… thế thôi. Riêng Trần Vũ Mai viết cho mình một thư rất dài, khen chê đầy háo hức, nhắc đi nhắc lại kế hoạch in tập truyện ngắn của mình vô cùng phấn khích, nhớ mãi câu cuối: Anh đang ngồi rung đùi chờ bản thảo tập truyện ngắn của em đây, kha kha.
Hồi đó anh làm biên tập viên Nhà xuất bản Tác phẩm mới, nổi tiếng là một biên tập viên đỡ đầu cho nhiều cuốn sách hay ra đời. Vớ phải bản thảo hay anh mừng như cha chết sống lại, khoe khắp làng. Anh ra sức “chiến đấu” với các sếp, bảo vệ từng câu từng chữ của nhà văn. Nhiều đêm anh loay hoay nghĩ ngợi nát óc, tính toán mẹo mực làm sao để qua được mắt sếp câu này chữ kia, sao cho một tác phẩm ra đời không bị què cụt. Lắm khi anh đập bàn đập ghế, văng tục tùm lum chỉ vì một câu một chữ nào đó của nhà văn bị cắt bỏ bị bẻ queo. Làm biên tập như anh có thể nói chỉ đếm được trên đầu ngón tay, đa phần đều làm theo kiểu cơm vua ngày trời, in được thì cũng tốt, không in được cũng chẳng ảnh hưởng gì đến mình, trăm sự do sếp gánh cả.
Năm 1988 mình ra Hà Nội dự Hội nghị nhà văn trẻ lần thứ 3, hội nghị này oách lắm, oách vì hội nghị lần 2 cách đó đã 15 năm và vì nó qui tụ hầu hết các cây bút nổi lên sau chiến tranh. Một cái hội nghị thôi mà báo chí ầm ầm, quan to quan nhỏ vào ra tới tấp, hầu hết các nhà văn danh tiếng đều có mặt. Mình vừa đến hội nghị đã có người nói này, Trần Vũ Mai tìm mày đấy. Đến trưa ăn cơm lại có người nói này, Trần Vũ Mai tìm mày đấy. Hồi đó chẳng có mobile, cả ngàn người nhốn nháo không sao tìm được anh. Mãi chiều tối tình cờ thấy anh ngồi quán rượu nhỏ ở đường Nguyễn Thái Học. Mình nói anh tìm em làm gì. Anh trợn mắt quát, nói trời ơi, mày quên rồi à, bản thảo tập truyện ngắn đâu. Hoá ra từ 1985 đến đó anh rất hồi hộp chờ đợi tập bản thảo tập truyện ngắn của mình gửi ra trong khi mình đã quên biến. Mình cảm động quá, có lẽ suốt đời mình không có một biên tập viên nào nhiệt tình với mình đến như thế.
Chỉ tiếc Trần Vũ Mai nát rượu sớm qua, chỉ hơn 40 tuổi đã nát. Hình như anh chỉ ngửi phải mùi rượu đã say, lúc nào cũng thấy anh say sưa, lúc nào mình cũng gặp anh hoặc từ quán rượu bước ra hoặc từ ngoài đường bước vào quán rượu. Trong túi ít khi có được năm ngàn, bạn bè cho được đồng nào uống hết đồng đó, hết tiền thì kí nợ, nợ nhỏ thôi nhưng đầm đìa dầm dề năm này sang tháng khác, rất khổ.
Rượu làm anh ốm yếu oặt oẹo, rượu cũng làm cho bạn bè anh xa lánh dần. Anh không còn minh mẫn như xưa nữa, cứ rượu vào là lẫn lộn lung tung, đầu Ngô mình Sở. Hôm mình ở quê ra, anh vớ được mình lập tức kéo vào quán. Chén đầu anh còn nói Nguyễn Quang Lập giỏi, mày tài đó em. Chén sau đã hỏi mày tên gì nhỉ. Chừng 4 chén anh đã đứng không vững, lè nhè nói mày viết đéo gì em, văn hay thơ? Chết cười.
Người ta nói Trần Vũ Mai vừa ngủ dậy chưa kịp uống chén nào đã say, thật không sai. Đêm nốc đầy bụng rượu, sáng ra uống nước vào, hơi rượu từ dạ dày bốc lên đã say rồi. Người ta say đâu thì say, họp chi bộ cũng phải đàng hoàng tí chút, anh không. Sáng sớm ra cửa nghĩ bụng dứt khoát mình không say để họp chi bộ. Nhưng khốn nạn đến cửa Nhà xuất bản Tác phẩm mới còn sớm, thế là ghé vào quán nước chè, mua chén rượu trắng, chỉ một chén thôi là ngà ngà. Lại làm thêm chén nữa, chén nữa... đến khi vào họp anh vặt vẹo như thằng chết rồi, cứ tranh phần phát biểu, không cho ai nói.
Điên tiết người ta đòi khai trừ anh ra khỏi Đảng. Chị Xuân Quỳnh giãy nãy, nói này này, không cho Trần Vũ Mai xuống quần chúng đâu nhé. Chị Lê Minh Khuê nói đúng đúng, Trần Vũ Mai muốn đi đâu thì đi, không cho xuống quần chúng. Anh cười mếu máo, nói các bà không cho tôi xuống quần chúng thì tôi xuống âm phủ à.
Anh xuống âm phủ thật. Một đêm tháng tám năm 1991 anh ngất ngưởng về nhà, đi qua đầm sen, tưởng đất bằng, cứ thế bước xuống và chết chìm đến hai ngày sau người ta mới biết. Hôm trăm ngày của anh, mình có lên viếng mộ. Một nấm mồ nằm trong ruộng trũng, nước hãy còn lỏng bỏng, thật thương. Anh em mỗi người một chai rượu rưới lên nấm mộ của anh, đứng yên mấy phút rồi về, lòng ai nấy buồn tênh. Ôi cái kiếp người, kiếp văn thật chả ra làm sao.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét