Thứ Tư, 23 tháng 2, 2011

Cưới xin thời bao cấp

Bạn bè cùng lứa với mình, bây giờ đứa nào cũng đến lúc phải cưới vợ gả chồng cho con cái. Có ngày mình phải chạy xô ba đám cưới, mệt bã người.  Đám nào cũng hăm hở bỏ phông bao, loanh quanh cho gia chủ thấy mặt mình, rồi chuồn. Chẳng biết người khác thế nào chứ mình sợ nhất phải ăn cỗ cưới và cỗ đám ma. Cứ sáu người một mâm, chẳng ai quen ai, nói cười nhàn nhạt, chán mớ đời. Đám ma bây giờ ít ai bày biện ăn uống, chỉ cần đến viếng xong là về. Nhưng đám cưới vẫn phải ăn. Chẳng hiểu từ khi nào lễ cưới được gọi là ăn cưới, hễ cưới là ăn, không ăn không xong. Ngay bây giờ tại Hà Nội, làng gì đó quên mất tên rất gần Ngã Tư Sở, ăn cưới phải đủ 3 ngày 3 đêm, lệ làng xưa nay vẫn vậy, đám cưới nào cũng phải đủ trăm gà ba heo. Kinh.


Nói vậy thôi, cưới xin bây giờ không là vấn đề lớn, chỉ mệt người thôi chứ tiền nong cũng chẳng phải lo lắm. Tiền mừng thường vẫn nhiều hơn tiền bỏ ra làm đám cưới. Ngày xưa khác, ít người mừng tiền, giả có mừng tiền cũng vài đồng chiếu lệ. Đa số chỉ tặng quà, sang thì phích Trung Quốc, chậu nhôm Liên Xô, hèn thì cuốn sổ tay, cuốn lịch, tấm tranh, thế thôi. Thành thử đa phần tiền đám cưới bỏ ra đều không thu về được. Làm cái nhà tốn kém  vài chục ngàn, đám cưới cũng tốn cỡ đó, có khi hơn.


Ba mạ mình có 8 đứa con, 6 trai 2 gái, lo cho xong 8 đám cưới cũng đủ sạt nghiệp. Cứ xong một đám cưới cho con, ba mạ mình lại ôm một cục nợ. Ba mình nợ nần suốt đời, trước khi mất chừng một năm ông mới trả xong nợ. Mình nhớ hôm tuyên bố hết nợ ông vui lắm, nói cười suốt ngày. Ông làm một con gà ăn mừng. Làm xong gà thì sực nhớ trong nhà không còn gì cả. Ông chạy sang nhà hàng xóm vay tạm mấy đồng cho mạ mình đi chợ. Ra đến cổng ông đứng sững lại rồi đi vào, nói luộc gà chấm muối, không nợ, kiên quyết không nợ. Lần đầu tiên trong đời ông rót rượu mời mình, chạm cốc với mình, thúc dục mình uống. Trước đó thì đừng hòng, ông luôn hằm hè chuyện rượu, thuốc của mình. Ông chạm cốc cái cạch, ngửa cổ cạn chén rượu, khà một tiếng khoan khoái, nói tám đứa con đã có gia đình, ba mạ trả hết nợ, rứa là ba chết được rồi con ạ. Tưởng ông nói cho vui, ai ngờ mấy tháng sau thì ông mất.


Kể vậy để nói ngày xưa chuyện cưới xin là cả một vấn đề. Ba mình còn vay nợ được chứ nhiều người chẳng cho ai cho vay, vay được cũng chẳng biết lấy gì mà trả. Chuyện trai ế vợ vì nhà nghèo không có tiền cưới xin ngày xưa thì nhiều lắm. Mình có thằng bạn học cấp 2, 35 tuổi rồi vẫn chưa vợ. Nó yêu ba bốn cô, cô nào đến đoạn cưới xin đều tắc tịt. Một hôm nó ngồi với mình, nhắc đến chuyện vợ con nó thở hắt ra, nói è he, ẻ vô vợ con mần chi cho nhọc. Mình hỏi răng rứa,  nó nói tao đã chọn mấy con xâu đui, ế câm ế cảy, rứa mà vẫn không lấy được. Mình lại hỏi răng rứa, nó lại thở hắt ra, nói è he,  tiền để mần một mâm cau trầu ăn hỏi cũng nỏ có, nói chi chuyện cưới xin.


Năm sau mình về làng, nó rủ đi xem mặt một cô đẹp cực. Mình nói mấy con xấu đui còn không lấy được, răng mi đòi lấy con ni. Nó ngồi đực mặt, nói trời bắt tao lấy, tao chết héo vì yêu nó mi ơi. Nó ngồi im hồi lâu, nhìn xa ra bãi cát sau làng, nói con ni mà tao không lấy được thì tao tự tử. Nhìn mặt nó biết nó nói rât thật mình đâm lo. Lâu lâu lại viết thư về mấy đứa bạn cùng làng, hỏi xem nó đã chết chưa. Chẳng dè cuối năm về, nó tới nhà đưa thiếp tết mời đám cưới. Mình quá ngạc nhiên, nói răng mi có tiền cưới vợ, tài rứa. Nó cười he he he, nói trời bắt tao cưới vợ thì trời phải cho tao tiền chớ. Nó kể đêm đó đem nàng ra bãi cát mần một trận đã đời, đưa nàng về nhà xong, lội bộ bãi cát về nhà lòng buồn như chấu cắn vì biết chắc rồi sẽ không cưới được nàng. Khi bên nàng thì ba hoa xịt bộp, nói anh sẽ anh sẽ anh sẽ, rời khỏi nảng mới sực nhớ nhưng nhà nghèo rớt mồng tơi, biết lấy gì để mà sẽ. Nó đứng tựa gốc phi lao đứng đái, bỗng lòi ra cái gì sang sáng, cầm lên hoá ra một cái nhẫn vàng hai chỉ. Rõ là trời cho, may quá là may. Hai chỉ vàng đủ làm một đám cưới  to, xôm trò ra phết, cái thằng thế mà tốt phúc.


Thời bao cấp đám cưới nào cũng giống nhau. Phông chính giữa hôn trường cắt dán đôi bồ câu cắn mỏ nhau bay trên chữ phúc to đùng, bên kia là tên cô dâu chú rể lồng nhau treo dưới cái đèn lồng. Luôn luôn có hai khẩu hiệu, một là Vui duyên mới không quên nhiệm vụ. Câu này không thể thiếu ở bất kì đám cưới nào, thường được treo ở phông chính như một huấn thị của cấp trên. Chẳng biết nhiệm vụ gì, cứ phải không được quên, hi hi. Câu thứ hai là Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn. Câu này đám có đám không, thường treo bên nách hoặc ở cuối hôn trường.


Lễ cưới thời bao cấp nửa họp nửa mét tinh, thường có năm mục. Thứ nhất MC giới thiệu cô dâu chú rể và lý do có đám cưới, đại loại được sự nhất trí của các cấp  chính quyền và gia đình hai bên, trong không khí vui tươi phấn khởi đón chào  Đất nước vào xuân… Bất kì cưới mùa nào thì ông MC cũng nói Đất nước vào xuân. Kế đến là lãnh đạo lên phát biểu ý kiến, giao nhiệm vụ cho cô dâu chú rể. Sau đó là cô dâu chú rể lên hứa xây dựng hạnh phúc gia đình. Tiếp theo là đại diện họ nhà trai lên cảm ơn lãnh đạo và bà con hai họ. Cuối cùng là liên hoan văn nghệ.


Đầu tiên ông MC ra miệng nói tay khua, nói năng như tép nhảy, hết đọc ca dao đến đọc thơ, đám nào ông cũng chừng đó câu thơ, chừng đó câu ca dao, rồi ghép tên cô dâu chú rể vào, bất kể thất vần trật âm cũng cố ghép cho bằng được. Mình nhớ đám cưới cái Tâm bạn mình, nó cưới anh Địch bộ đội phục viên ở xóm dưới. Cái vần ịch rất kẹt vì dân Quảng Bình thường nói âm ịch ra âm ịt, vì thế chưa bao giờ mình nói quân địch, khi cần phải nói thì nói quân thù, hi hi. Hôm đó ông MC tay khua miệng nói, ngâm nga câu ca Ôi hạnh phúc có khi nhiều khi ít/ Tâm xinh tươi cùng Địch đẹp trai, mọi người cười ầm ầm.


 Thỉnh thoảng mình gặp cái Tâm lại trêu nó, nói “cùng địch đẹp trai”, thích nhỉ. Nó cười he he he đấm mình, nói tao bắt lão đổi tên Đích rồi, tên Địch nhiều khi bị hiểu lầm, tức lắm. Nó kể cưới xong nó ra Phủ Lý học trường Trung cấp truyền thanh. Một hôm vào phòng giáo vụ khai báo chuyện gì đó. Ông giáo vụ hỏi chồng cô tên gì, nó nói dạ Địch. Ông này trợn mắt đập bàn, nói tôi hỏi chồng cô tên gì chứ không hỏi cô cưới chồng để làm gì, rõ chưa!


 Lãnh đạo càng to đến dự thì đám cưới càng sang. Thời này chắc cũng thế nhưng người ta chỉ đến dự thôi chứ chẳng phải nói năng gì. Thời bao cấp lãnh đạo đến để phát biểu và giao nhiệm vụ, dứt khoát phải như vậy. Thường thì bí thư chi bộ lên phát biểu là oách rồi, được bí thư Đảng uỷ xã đến phát biểu ý kiến là mơ ước của bất kì gia đình nào có đám cưới.


Hồi mình ở làng Đông, đám cưới chị Hoa là con gái của một ông đội trưởng. Cả làng xôn xao về việc nhà chị Hoa mời được Bí thư Đảng uỷ xã đến dự. Nhà chị Hoa đứng bồn chồn trước ngõ ngóng ông, mặt mày ai nấy vô cùng nghiêm trọng, chỉ lo ngộ nhỡ có chuyện gì ông không đến được. Giấy mời đám cưới lúc 8 giờ sáng, chừng 10 giờ trưa ông đến, khi đó đám cưới mới bắt đầu. Hôn trường đang ồn ào náo nhiệt, ông bước vào cái là im phăng phắc, tất cả ngoảnh mặt nghiêm trang nghe ông nói. Ông này có tật nói dai kinh khủng. Mới đầu thì bảo tôi xin phát biểu đôi câu nhưng rồi ông nói cả đôi trăm câu. Vừa nói điểm thứ hai, xong rồi lại điểm thứ hai, rồi lại điểm thứ hai, cứ điểm thứ hai liên tù tì cả giờ chưa dứt.


Đang nói ông bỗng dừng lại ngoảnh mặt xuống hôn trường, nói hạnh phúc là chi bà con. Mọi người im thin thít, không  ai dám ho he. Ông cười cười nói câu hỏi đơn giản rứa mà không ai trả lời được là răng hè. Rồi ông mạnh tay chém gió, nói hạnh phúc là vô cùng sung sướng, rứa thôi, đơn giản rứa thôi. Ông ngửa cổ cười khe khe khe, chẳng ai cười cả, chỉ mình ông cười khe khe khe. Đến khổ, hi hi.


Một vài hình ảnh cưới hỏi thời bao cấp.



Ăn hỏi.



Đón dâu.





 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Hôn trường.


Còn đây là cảnh chú rể Lập đi mời thuốc bà con hai họ, he he

Thứ Bảy, 19 tháng 2, 2011

Báo cáo gửi cụ Rùa

Nửa đêm rồi mà Ngu Ngơ không ngủ, đèn bạt sáng ngồi hí hoáy viết. Mũm Mĩm mở mắt càu nhàu, nói khuya rồi còn không đi ngủ, viết gì viết lắm thế. Ngu Ngơ nói anh đang viết báo cáo gửi cụ Rùa. Mũm Mĩm tròn mắt ngạc nhiên, nói anh lại nghĩ ra trò gì vậy ta. Ngu Ngơ cười khì khì, nói trò gì, anh viết để động viên cụ Rùa thôi. Mũm Mĩm chồm dậy cười hi hi hi, nói đâu đâu, cho em xem với.


Ngu Ngơ nói để anh đọc cho mà nghe. Rồi Ngu Ngơ hắng giọng đọc to, nói thưa cụ, cháu là Nguyễn Ngu Ngơ công dân Bờ Hồ, đồng hương của cụ. Được biết cụ ốm đau, già yếu, bị thương, bị lỡ loét toàn thân, tình hình rất nguy cấp, khiến thiên hạ bàn tán xôn xao. Các đồng chí lãnh đạo to nhỏ ai ai cũng quan tâm đến cụ. Hiện đã tổ chức hội thảo quốc tế, đã thành lập Ban khẩn cấp cứu cụ gồm các giáo sư, các chuyên gia đầu ngành. Báo cáo cụ như vậy để cụ  yên tâm phấn khởi và tin tưởng.


Các đồng chí cấp trên đang ra sức đau khổ, ra sức bàn bạc và ra sức trả lời phỏng vấn. Còn các giáo sư tiến sĩ, các chuyên gia đầu ngành đang hội thảo cụ ốm hay cụ già, cụ bị bệnh hay bị thương, cụ bị viêm loét hay bị rùa đỏ tấn công, các tham luận khoa học đều đặt giả thiết, chứ không có một ai quả quyết. Sở dĩ tất cả đều ngồi trên bờ ăn ốc nói mò bởi vì đó là vấn đề khoa học, vấn đề trách nhiệm của xứ ta.


 Các giáo sư, các chuyên gia đầu ngành cũng đưa ra các biện pháp rất chi là khoa học, nào là đề xuất lấy mẫu DNA, nào là đề xuất gắn chíp điện tử, đề xuất tắm thuốc, đề xuất giải phẫu, v.v… để chữa trị cho cụ. Có giáo sư còn đăng đàn một tham luận rất chi là khoa học, phân tích cực kì sâu sắc rằng cụ  quí hiếm như thế nào, chủng loại gì, giá trị sinh học ra sao…Nghe đến đây chắc cụ sẽ thắc mắc, nói sao lại phải họp, sao lại phải hội nghị quốc tế. Nếu trong nước không có ai cứu chữa được thì thuê một chuyên gia nước ngoài về chữa trị, thế là xong, việc gì bày ra hội nghị hội ngáo, báo cáo báo chồn mất thời gian tốn kém? Thưa cụ, cụ chớ có thắc mắc. Cấp trên của cháu rất ghét thắc mắc, đồng thuận là điều cấp trên chúng cháu muốn nghe. Cụ chớ có dại mồm thắc mắc, cấp trên của cháu mà nổi giận thì chẳng những cụ không được chữa trị mà còn phải làm kiểm điểm.


Cụ phải hiểu rằng cụ là rùa, chứ không phải là người xứ ta, cụ càng không phải các giáo sư tiến sĩ, giáo sư đầu ngành xứ ta nên cụ không thể hiểu họp hành quan trọng như thế nào. Họp để chứng tỏ trách nhiệm với cấp trên, để lấy tiền Nhà nước tiêu xài thoải mái mà không ai thắc mắc. Họp để nếu cụ chết thì không ai chịu trách nhiệm. Tính tập thể, tinh thần trách nhiệm của họp là như vậy đó cụ.


Mấy chục lần cụ ngoi lên mặt hồ để cầu cứu, hình như cụ muốn được đưa lên bờ để chữa trị. Cấp trên của cháu, các giáo sư tiến sĩ, giáo sư đầu ngành rất thấu hiểu lòng cụ. Nhưng đây lại là một vấn đề lớn, đòi hỏi phải có nhiều hội thảo, hội nghị quốc tế. Đưa lên để làm gì, đưa lên như thế nào, đưa lên bao nhiêu lâu, đưa lên thời điểm nào.. là những đề tài nghiên cứu rất chi là khoa học, cần có nhiều thời gian, rất nhiều thời gian.


Vì vậy cháu viết báo cáo này để cụ biết rõ tình hình là… rất tình hình, mong cụ hết sức phấn khởi tin tưởng, yên tâm chờ... chết!


 

Thứ Tư, 16 tháng 2, 2011

Nhớ Hoàng Ngọc Hiến

  Gần tết mình bay ra Hà Nội, vừa rời máy bay, bật mobile đã thấy 8, 9 tin nhắn  báo tin: Thầy Hoàng Ngọc Hiến đã mất lúc 23h ngày 24.1.2011″. Tất cả các tin nhắn đều là các nhà văn, có người học với anh, có người không học với anh một giờ nào như Phạm Xuân Nguyên cũng gọi anh bằng thầy. Mình cũng vậy, chưa được học với anh một giờ nào nhưng mình luôn coi anh là thầy, như mình đã từng  coi Hoàng Phủ Ngọc Tường là thầy vậy.


            Thực ra mình đã bỏ qua nhiều cơ hội để được học với Hoàng Ngọc Hiến ở Trường viết văn Nguyễn Du. Khoá I thì không dám mơ vì không thể đấu lại với các nhà văn “ đại ca” lớp trước, toàn là những tài năng văn chương thời chống Mỹ. Khi đó mình còn nhỏ, mới võ vẽ làm thơ chẳng có tiếng tăm gì, chỉ dám nép cửa sổ nghe anh giảng. Các khóa sau hoàn toàn có thể thi đỗ vào Trường nhưng khi thì bận đi lính, khi thì bị tai nạn giao thông, khi thì vừa mới vào làm công sở không dám xin đi học, thành ra lỡ mất các dịp Nhà trường tuyển sinh. Năm 89, 90 chi đó anh Phạm Vĩnh Cư và Tạ Duy Anh về Quảng Trị vào nhà mình “dụ dỗ” mình đi học. Anh Cư còn nói tụi mình đang muốn cậu làm lớp trưởng khoá tới. Hi hi. Nhưng khi đó hai đứa con còn nhỏ quá, vợ thì không có việc làm nên mình đành chịu. Bây giờ nghĩ lại cứ tiếc mãi.


            Cho nên mình chỉ được nghe lóm anh Hiến dạy thôi. Hồi đó mình học Bách Khoa, hôm nào có tiết hay thầy giỏi thì chị Dạ ( Lâm Thị Mỹ Dạ) lại nhắn lên Trường để mình đứng nghe lóm. Mình đã đứng sau cửa sổ nghe lóm rất nhiều giờ. Cái trò nghe lóm như ăn vụng vậy, rất thích. Nghe đến đâu thấm đến đó. Lần đầu tiên mình biết  S.Freud là ai, thuyết phân tâm học là gì. Chưa bao giờ mình nghe ai nói về phân tâm học của  S. Freud  dễ hiểu và hấp dẫn như Hoàng Ngọc Hiến. Chỉ một giờ đứng nghe lóm thôi mà mình sáng ra biết bao điều. Sau này mò sách về phân tâm học, toàn sách của miền Nam in, đọc thấy rối mù chẳng hiểu gì cả, phải nhờ anh Tường ( Hoàng Phủ Ngọc Tường) giảng mãi mới hiểu.


            Hồi đó nhìn thấy anh Hiến thì sợ lắm, chỉ dám đứng xa xa nhìn, không dám đến gần. Mãi đến cuối năm 1985 mới được ngồi trò chuyện với anh. Hôm đó anh Tường ngồi nhậu với anh ở quán rượu nhỏ gần Trường, khi mình đến thì hai anh đã nhậu lâu lắm rồi. Anh Tường cứ rượu vào là nói lia xia, anh Hiến tay gắp thức ăn miệng nói đúng đúng đúng. Anh Tường nói gì anh cũng đúng đúng đúng, tuồng như anh không quan tâm đến anh Tường nói gì, chỉ say sưa gắp gắp gắp đúng đúng. Rất vui.


            Anh Tường vỗ vai mình giới thiệu với anh Hiến, nói đây là Nguyễn Quang Lập. Anh ngước lên mở to mắt nhìn mình, nói a thế à. Tưởng như mọi đàn anh khác khi mới gặp mình, thể nào anh cũng nói tớ đọc của cậu rồi, được lắm. Hoá ra không. Anh lại cúi mặt gắp gắp gắp đúng đúng đúng với anh Tường. Mình hơi bị thất vọng, nghĩ bụng anh “ A thế à” vậy thôi chứ chẳng đọc của mình chữ nào. Mãi khi đĩa mồi sạch bách, anh thong thả lấy giấy lau miệng, nói này cậu, cái Tiếng lục lạc là một chuẩn truyện ngắn đấy. Nhưng sao lại có chức danh trợ tá? Tôi hỏi mấy ông bác sĩ rồi, họ nói ở bệnh viện chẳng có chức danh nào là trợ tá cả. Mình thú thật, nói đó là y tá giúp việc cho bác sĩ, nhưng viết thế dài dòng quá nên em gọi bừa là trợ tá. Anh lại mở to mắt nhìn mình, nói a thế à. Nhưng mà từ chuyên ngành của người ta thì mình không nên bịa, có bịa cũng phải chú thích.


            Chỉ chừng đó thôi mình đã hãi anh. Đọc thấy một từ lạ thì đi tra, tra không được thì đi hỏi đấy là bài học đầu tiên mình học từ anh. Sau này quen anh rồi, nhiều lần ngồi nói chuyện cùng anh mới thấy bệnh qua loa đại khái, thói giấu dốt của mình thật đáng xấu hổ. Anh nói tu bổ kiến văn như ăn cơm vậy. Nếu mắc xương thì lo khạc ra rồi mới ăn, cứ để đấy ăn liều thì chẳng những bữa cơm không ngon mà chẳng tác dụng gì, vì mình không ăn mà  nuốt sống. Nếu không biết điều gì là anh hỏi ngay, hỏi cả những người thua anh cả chục bậc về đẳng cấp chẳng hề sợ người ta chê mình dốt. Có lần nghe anh hỏi một người anh đã chê dốt trong một bài phỏng vấn nổi tiếng. Mình quá ngạc nhiên, nói anh chê nó dốt kia mà? Anh nói thì nó dốt thật chứ sao, nhưng cái điều này nó biết mà mình không biết thì mình hỏi, có gì đâu. Anh hỏi và a thế a đầy ngơ ngác, rồi đúng đúng đúng đầy sảng khoái, cứ như anh vừa lạc vào một thế giới văn minh nào đó.


            Nhưng chớ có nghe anh a thế à, đúng đúng đúng mà tưởng bở. Có lần mình ngồi nói chuyện với anh, hình như nói về cái Văn học phải đạo của anh thì phải. Mình nói lia xia, anh mắt mở đầu gật, hết a thế  à lại đúng đúng đúng. Mình sướng lỗ rốn nói càng bốc. Đến khi anh nói lại thì hoá ra hầu hết ý kiến của mình hoặc rất ấu trĩ hoặc sai bét. Anh cứ a thế à vậy thôi nhưng khi anh đưa ra ý kiến của mình thì bao giờ cũng có một cái gì đó rất độc đáo, bất luận vấn đề gì.


 Nói chuyện a thế à, đúng đúng đúng của anh, có lần mình nghe chị Nga, vợ anh, kể mới vui. Thời anh chị mới cưới nhau, nửa đêm không thấy anh lên giường, cứ đi lại lầm bẩm mãi một điều gì đó. Sốt ruột, chị nói khuya rồi, không đi ngủ cứ đi đi lại chóng cả mặt. Anh quay lại cúi xuống mở to mắt nhìn chị, nói a thế à, đúng đúng đúng. Xong rồi anh lại vẫn đi lại lẩm bẩm, không chịu lên giường. Điên tiết, chị vùng dậy dài giọng dẩu môi, nói a thế à, đúng đúng đúng. Anh lại quay lại cúi xuống mở to mắt nhìn chị, nói a thế à, đúng đúng đúng. Hi hi. Viết đến đây nhớ chuyện anh Mạnh ( Nguyễn Đăng Mạnh) kể một hôm anh đến chơi nhà thấy vợ chồng anh cãi nhau chuyện gì đó. Chị Nga đang mắng anh Hiến, nói ngu lắm. Anh Hiến mở to mắt nhìn chị, nói a thế à. Chị Nga nhảy chồm chồm chồm, nói ngu lắm lắm ngu lắm. Anh Hiến gật gù, nói đúng đúng đúng. Chị Nga lườm cái, dẩu môi dài giọng nói a thế à, đúng đúng đúng, ngu ngu ngu, rồi bỏ đi. Anh Hiến kéo tay anh Mạnh mặt mày nghiêm trọng, nói này, ông thấy không, vợ chửi mình ngu cũng giống như mình chửi Đế quốc Mỹ ngu ấy mà, đúng không.


Chị Nga rất yêu anh Hiến, tính chị xồn xồn, động chuyện gì là nói ngay không nhịn được, bất kể khi đó có khách hay không. Chị vẫn hay mắng anh ngu vì những niềm tin quá ngây thơ của anh.  Mình cũng rất ngạc nhiên là một người trí lự phi thường, tư duy thậm logic lại thiên kinh vạn quyển như anh đôi khi lại tin vào mấy thứ tào lao, ai cũng thấy phi lý, chỉ có anh là không.


Một dạo mình bị đại tràng, đau bụng rất khó chịu. Anh biết tin gọi điện cho mình nói có một loại thuốc hay lắm, rất thần kì, để tôi gửi cho cậu. Cậu phải uống ngay, uống thật đều thế nào cũng lành. Anh nói say sưa cả giờ về thứ thần dược này. Đã quá quen với mấy món ‘thần dược” mà lâu lâu anh lại giới thiệu cho mình, mình dạ dạ cho qua chuyện. Anh cho người mang xuống Linh Đàm cho mình một gói thuốc bột kèm theo một tài liệu giới thiệu loại thuốc này, toàn là những quảng cáo tào lao xịt bộp. Đại loại tổng thống nước này ung thư di căn uống ba liều thì khỏi, nhà sư ngã gãy lưng vừa uống thuốc này vừa hoà thuốc với nước chanh bóp ba tháng thì lành… y chang tài liệu Niệu liệu pháp mình đã đọc ngày xưa. Mình gọi điện cho anh, nói anh ơi tài liệu tào lao thế mà anh cũng tin à. Anh lặng đi vài giây, nói à thế a.  Lại lặng đi vài giây, nói nhưng tài liệu này là chuẩn của nó đấy. Rồi ngày nào cũng gọi điện hỏi, nói uống chưa, uống đi. Mình đem gói thuốc sang cho ông dược sĩ hàng xóm. Ông ngửi ngửi nếm nếm rồi cười phì, nói men tiêu hoá thôi mà, có gì đâu. Mình gọi điện cho cho anh, chưa kịp nói anh đã rối rít nói ngay, nói tôi biết rồi, tôi biết rồi, đang định gọi điện cho cậu đây. Mình cười khì khì, nói ôi anh Hiến ơi là anh Hiến. Anh cũng cười khì khì, nói a thế à.


Tại đám tang đưa tiễn anh về trời, sau điếu văn của anh Hữu Thỉnh, người em của anh Hiến lên nói lời cảm tạ. Ông nói nhiều về anh Hiến, trong đó có câu: Anh Hiến của tôi vừa là một nhà giáo chuẩn mực vừa là đứa bé ngây thơ giữa cuộc đời. Khi ông nói đến câu này tự nhiên mình bật khóc.

Thứ Bảy, 12 tháng 2, 2011

QUYẾT ĐỊNH KHÓ KHĂN

THANH CHUNG


Sau khi mở cửa chợ Tết một tuần ở chiếu rượu Quê Choa, Bọ Lập khai bút đầu xuân với tạp văn “Những con rạm bè sông Gianh”.


Khi con đường trước mặt mỗi năm một ngắn đi, người ta hay ngoái lại phía sau cũng là điều dễ hiểu. Dạo này mình rất hay nhớ lại những ước mơ thuở nhỏ. Chẳng hạn như lúc lên bốn, lên năm, chỉ mong lọ muối biến thành lọ đường để bát cháo ngô buổi sáng được trộn đường đến ngọt lịm mà không cần phải xin phép mẹ. Mình nhớ từng ao ước sau một đêm ngủ dậy sẽ biến thành cô bé thiếu nhi Liên xô, mặc váy hồng với hai chiếc nơ vừa to vừa xinh cài trên hai bím tóc như trong một tờ họa báo. Lúc còn bé, mình luôn phải mặc thừa quần áo của các anh các chị. Nhà mình ở thành phố, nhưng ký ức vẫn đọng lại một nhánh con sông Kinh Thầy ngày đi sơ tán:


Tuổi thơ tôi có bát cơm, quả trứng bên sông


Cho bạn tôi, một buổi chiều tắm sông nước xiết


Lũ trẻ chúng tôi, chạy dọc theo bờ đê mải miết


"Tuệ ơi, về ăn cơm..."


***


Mình ám ảnh bài viết của Bọ Lập không phải vì tuổi thơ cơ cực của Bọ và những bạn bè cùng trang lứa. Cũng chẳng phải vì những con “cá ngạnh nối đuôi nhau bơi đen đặc dòng sông”, hay vì chiếc “bè rạm to lớn, đến vài vạn con”. Mình từng chứng kiến trận lụt kinh hoàng khi tất cả mọi người phải lánh ra sân kho hợp tác xã. Trẻ con, dù bị giữ chặt ở trên những chiếc bàn đặt trên giường vẫn cố tình thò chân xuống khua nước, cười đùa. Mình cũng từng chứng kiến hố bom sâu hoắm trước cửa nhà. Mấy chị em cái Liễu, bằng tuổi mình, bị văng đi mỗi nơi một mảnh. Mỗi lần nhớ lại tuổi thơ khốn khó mình thường tự nhủ: chiến tranh phải thế!


Hai mươi năm sau, mình đi làm dự án cho một tổ chức Phi chính phủ ở một tỉnh miền núi phía Bắc. Trẻ con giữa mùa đông - vẫn cởi truồng – tím tái vì lạnh - chạy theo xe “ông Tây” xin kẹo. (Hồi đó tụi mình mỗi lần đi xuống dự án đều mang theo mấy cân kẹo Hải Hà); Thanh niên dân tộc mười bảy mười tám tuổi đi khám nghĩa vụ quân sự không biết chữ phải dùng ngón tay điểm chỉ. Đất nước đã hòa bình gần hai mươi năm. Mình không hiểu nổi tại sao lại thế. Ba mươi năm sau, đọc báo thấy trẻ con đi học bị đắm đò chết đuối; trẻ con đu dây đến trường; trẻ con không đủ quần áo ấm phải xúc cát trong giờ ra chơi cho đỡ lạnh… thì lại càng không hiểu nổi. Chúng ta đang tiến lên hay lùi xuống?


Hôm qua, trong bữa ăn, mình vừa kể cho con gái nghe vừa khóc. Cô bé mười ba tuổi trong vụ chìm đò ở Quang Hải đã quyết định buông tay mẹ ra rồi lặng lẽ chìm xuống đáy sông Gianh. Cô bé muốn mẹ sống để còn lo cho các em còn nhỏ. Trong đời, ai cũng phải đứng trước những quyết định trọng đại, khó khăn. Nhưng người lớn chúng ta có tội khi bắt cô bé mười ba tuổi làm một việc quá sức mình như vậy.


Giá như các vị quan chức khi thấy mình bất lực, không lo nổi cho dân cũng dũng cảm như cô bé - Lùi lại phía sau nhường chỗ cho những người thực tài lên thay. Có lẽ đời sẽ bớt đi những số phận như cô bé nằm dưới sông Gianh; và cũng bớt đi những câu hỏi “vì sao lại thế?”.


Thanh Chung's blog

Thứ Năm, 10 tháng 2, 2011

Văn hoá lễ hội

Cứ đầu năm, vào dịp giêng hai, khắp cả nước Việt ta đều vào mùa lễ hội, , từ Nam ra Bắc từ xuôi lên ngược đâu đâu cũng có lễ hội tưng bừng. Có chừng 500 lễ hội chứ không ít. Miền Bắc có Hội Bát Tràng, hội Bạch Hạc, hội Bơi Thuyền, hội Bơi Đăm, hội Cầu Trâu, hội Chém Lợn, hội Chen, hội Chọi Trâu Đồ Sơn, hội Chùa Hương, hội Chùa Keo, hội Chùa ThầyMiền Nam có Lễ dâng bông của người Khmer,  hội Gò Tháp - Đồng Tháp,   hội Sen Đolta,  hội Chùa Bà, hội Chôl Chhnăm Thmây, hội Đua Ghe Ngo, hội Tầm Vu, hội Tứ Kiệt … Sự phong phú của lễ hội Việt chứng tỏ bản sắc văn hoá Việt rất đỗi đậm đà. Chơi hội cũng là chơi văn hoá, vừa hưởng thêm nhiều thú vui văn hoá Việt vừa tăng thêm tình yêu quê hương đất nước, rất hay.


            Một khi nền kinh tế phát triển, cái ăn đỡ lo thì cái sự chơi bao giờ cũng được tính đến, âu cũng là lẽ thường. Tuy nhiên sự phát triển đột khởi hội làng trong những năm gần đây cho thấy nhiều điều đáng ngại. Những hội làng  nhỏ, xưa nay ít ai để ý hoặc đã biến mất nay được dựng lại với qui mô rất lớn. Dân quê ta vốn vậy, con gà tức nhau tiếng gáy, làng người có hội to thì nhất định làng mình cũng phải có hội to. Mở hội cúng tế chơi bời, bày ra lắm trò cũng chỉ vì đua ganh với làng khác chứ không phải vì truyền thống là một cái dở. Một lần mở hội là một lần đóng góp, hội càng to đóng góp càng lớn, người giàu có không nói làm gì, người nghèo chịu sao cho thấu?


             Những lễ hội truyền thống của làng nếu qui mô vừa và nhỏ mới cho ta sự đầm ấm của quê nhà, bản sắc văn hoá mỗi làng quê. Nhiều lễ hội vốn có qui mô lớn nay càng mở ra lớn hơn, xưa ba ngày nay mươi ngày nửa tháng. Cố phình to ra cho bằng thiên hạ không dưng rước lấy nhiêu khê, tốn kém, mất thời gian công sức mà bản sắc văn hoá làng cũng sẽ mờ nhạt, lẫn vào bao nhiêu hội hè tốn kém khác, tình quê theo đó cũng mờ nhạt theo.


             Sự bạc màu của lễ hội mới là điều đáng lo nhất. Luỵ vào việc khuyếch trương du lịch, nhiều lễ hội còn lấy được kinh phí nhà nước tổ chức rất to. Có nơi còn biến lễ hội thành nơi kinh doanh bán vé thu tiền, không khí lễ hội thôn quê bị thị thành hoá, kinh tế hoá làm mất đi vẻ đẹp ngàn xưa của nó. Tốn kém là một chuyện, mất thời gian hao người tốn sức là một chuyện, điều quan trọng là nó làm văn hoá lễ hội phai nhạt đi, tính tâm linh cũng vì thế mà biến mất, chỉ còn trơ lại mỗi tính lỗ lãi.


            Đi kèm với lễ hội thường là những hủ tục đã biến mất từ lâu nay có dịp sinh sôi nảy nở. Đấy là bói toán, lên đồng, bài bạc và mâm cỗ nhậu nhẹt ngày này qua ngày khác. Chưa bao giờ thấy tình trạng bài bạc lớn như ngày nay, cũng chưa bao giờ trò bói toán, hội lên đồng phát triển rầm rộ như ngày nay. Nhiều nơi có tổ chức như nghiệp đoàn, thậm chí có nơi còn lập cả công ty đồng bóng.


            Nước ta đã có hơn 500 lễ hội thiết nghĩ đã quá nhiều, nếu còn phát triển thêm nữa, và sự phát triển chỉ vì nhu cầu kinh doanh du lịch chứ không phải vì nhu cầu văn hoá tâm linh của dân, sẽ rất không hay. Cho nên cũng cần xem xét lại, lễ hội nào cần giữ lễ hội nào nên bỏ đi, lễ hội nào cần phình to ra lễ hội nào nên thu nhỏ lại. Không nên để lễ hội tự phát bùng ra, không ai quản lý, quanh năm suốt tháng chỉ thấy ăn chơi, khi dân ta còn thiếu cái ăn cái mặc, tỉ lệ đói nghèo còn quá lớn. Và điều quan trọng là văn hoá lễ hội bị lợi dụng thành trò kinh doanh, nơi khoe mẽ và là mảnh đất màu mỡ cho những hủ tục sinh sôi, rất đáng sợ, đáng lo và đáng xấu hổ.


 

 

 

 

Thứ Ba, 8 tháng 2, 2011

Những con rạm bè sông Gianh

  Ba Đồn quê tôi ở giữa Đèo Ngang và Sông Gianh, cả hai đều là những địa danh nổi tiếng, nguồn cảm hứng thơ ca của nhiều danh sĩ nước Nam, cả hai đều đầy ắp kỉ niệm trong tôi. Đặc biệt sông Gianh, nó gắn bó với tôi sâu sắc đến nỗi, nhiều khi đi xa tôi không nhớ Ba Đồn bằng sông Gianh, giống như tôi nhớ mạ tôi nhiều hơn ba tôi vậy.


Sông Gianh bắt nguồn từ đỉnh Cô- Pi thuộc dãy núi Hoành Sơn hùng vĩ, chảy theo hình chữ V đi hết 160 km, tuôn ra biển. Nó là dòng sông  không phù sa, hình như nó là dòng sông lớn duy nhất chỉ chảy cắt ngang qua  một tỉnh, không chung chạ với tỉnh nào. Xưa kia nó được gọi là Đại Linh Giang. Theo Đào Duy Anh, cái tên này có từ thế kỉ 3, thời Tây Tấn bên Tàu.  Sau này dân gọi tắt là Linh Giang nên có người nhầm với Linh Giang ở Huế, là sông Hương ngày nay.


 Không hiểu vì sao và từ lúc nào nó có tên là sông Gianh. Có người nói xưa sông này nhiều cỏ tranh, dân ở đây gọi là sông Tranh, dân Bắc gọi trại ra là sông Gianh. Không chắc. Khắp miền Trung sông nào xưa không có nhiều cỏ tranh. Có người nói vì nó là ranh giới cuộc chiến lần thứ 8 chiến tranh Nam- Bắc triều (1774-1775) nên gọi là sông Gianh. Cũng không chắc. Dân Bắc nói âm r ra âm d chứ không phải âm gi. Vả, Trịnh- Nguyễn phân tranh chủ yếu dân miền Trung choảng nhau, dân Bắc cũng có nhưng rất ít. Không nơi nào nói âm r chuẩn như dân miền Trung, chẳng ai gọi ranh giới là gianh giới cả.


Nhưng dù cái tên sông Gianh có nguồn gốc xác đáng đi chăng nữa thì tôi vẫn thích gọi nó là sông Linh, bởi vì nó là cái tên đẹp của người con gái .  Giống như đời người con gái quê tôi, sông Linh có ba vị, đầu nguồn nó là sông nước ngọt, nửa sông về cuối nó là sông nước lợ, và khúc cuối cùng, chỗ giáp nối với biển nó là sông nước mặn. Ba khúc đời ba vị, đầu đời yêu đương ngọt lịm, giữa đời nhẫn nhịn thờ chồng hầu con, cuối đời mặn mòi với hết thảy.


Từ thủa bé thơ cho đến lúc khôn lớn, không chiều nào tôi không đến với sông Linh. Dường như bao giờ sông Linh cũng chờ đón tôi, chẳng cứ gì tôi, từ bao đời nay nó vẫn dịu dàng chờ đón với tất cả. Nó bắt nguồn từ phía bên kia dãy Hoành Sơn chín mươi chín ngọn *.Nhìn từ Thị trấn Ba Đồn, dãy núi giống như một bức tranh hoành tráng miêu tả một cuộc khởi nghĩa nào đó. Nó, dòng sông, nhẹ nhàng men theo những làng mạc trù phú chảy về xuôi. Trước khi trôi về Thị trấn, sông Linh ngoái lại thượng nguồn nhiều lần như nuối tiếc vì một nghĩa vụ chưa thành về nơi đã sinh ra nó, hoặc là thương nhớ và day dứt về những gì nó sống với thượng nguồn…


 Những vòng tròn mở rộng của dòng sông do “ngoái lại” nhiều lần đã tạo nên những cù lao đứng trầm ngâm giữa dòng sông. Gặp Thị trấn, dòng sông bỗng vỡ ra, chảy tràn trề không thành dòng, dập dềnh mọi bãi bờ men Thị trấn. Lần đầu tiên dòng sông biết đến một miền quê đông vui, nhộn nhịp, lấp lánh ánh điện và âm vang những âm thanh náo nhiệt mà suốt 160 km từ thượng nguồn nó không hề bắt gặp. Dòng sông không muốn chảy tiếp nữa, cứ dùng dằng quanh Thị trấn cho đến lúc nó sực nhớ nó là dòng sông, đích của nó là biển cả, thế là nó vội vã lao đi. Trước khi tạm biệt Thị trấn, nó ngoái lại hai lần: Chào, chào… và lao như điên về biển cả. Bắt đầu từ Thị trấn, sông Linh chảy xiết hơn, ầm ào, hùng hục… Hình như nó sợ nếu dừng lại, ngoái lại một lần nữa, dù chỉ trong giây lát, là nó không thể đi được, không cách gì rứt ra mà đi được…Đấy là những gì tôi đã viết trong cuốn Những mảnh đời đen trắng.


Đấy cũng là những ấn tượng bé thơ của tôi về dòng sông, cho đến quá nửa đời người ấn tượng ấy không hề phai nhạt, càng ngày càng thẫm đẫm trong tôi. Và kỉ niệm, những kỉ niệm rưng rưng trên dòng sông mưa nắng đời người. Tôi nhớ những chiều vàng nắng ngụp lặn tha hồ bắt những cua càng.  Tôi nhớ những ngày mưa lui cui đem lờ đi đơm cá ngạnh. Ngày tôi chín tuổi lần đầu tiên trong đời thấy cá ngạnh nối đuôi nhau bơi đen đặc dòng sông. Một cuộc diễu binh hùng vĩ của cá ngạnh mà tôi không thể gặp lần thứ hai, đến chết cũng không thể nào quên. Mười hai tuổi biết thế nào là rạm bè. Đấy là những con cua nước lợ. Chúng nhỏ bằng cua đồng, nâu nâu đen đen. Ngày thường chúng vẫn đào hang trong hốc đá ở trên bờ, sống lẻ loi từng cặp một. Đến mùa nước lũ chúng kết nối với nhau, “xóm” này vài ba trăm con, gặp “xóm” khác vài ba trăm con. Những chiếc bè nhỏ kết nối với nhau thành chiếc bè lớn vài ngàn con, có khi vài vạn con. Mùa lũ năm 1968, dân Thị trấn quê tôi sững sốt thấy một bè  rạm bè to lớn, đến vài chục mét vuông chứ không ít.  Chiếc bè vĩ đại, chừng vài chục vạn con rạm bè đang dập dềnh giữa dòng sông. Từ đó về sau, dù ở nơi đâu cứ đến mùa lũ là tôi nhớ đến những con rạm bè và chiếc bè vĩ đại ấy. Nhớ để tin vô cùng dù khốn khó thế nào dân quê tôi cũng quyết không buông xuôi, gục ngã.


Năm nào lũ cũng về, năm nào dân hai bờ sông Gianh cũng điêu đứng vì lũ lụt. Lũ năm nay là cơn lũ thế kỉ, cả mấy ngàn ngôi nhà trôi sông, mấy vạn con người ngập ngụa trong nước lũ. Nhưng không ai bỏ quê mà đi, hoàn toàn không. Cũng như hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ sông Gianh là đầu mối giao thông chiến lược, bom đạn cày xới quê tôi trắng đến từng tấc đất theo đúng nghĩa đen của nó, vẫn không ai bỏ quê mà đi. Người sông Gianh như những con rạm bè cố kết với nhau để mà sống giữa bao nhiêu hoạn nạn.


Nhà văn Văn Linh tác giả cuốn Mùa hoa dẻ nổi tiếng một thời, anh quê Hà Tĩnh nhưng quá nửa đời đã sống với người dân quê tôi, khi nào anh cũng nói anh là người sông Gianh với niềm tự hào khôn xiết. Bộ tiểu thuyết Sông Gianh ba tập hơn nghìn trang sách vừa ra đời cách đây ít năm, anh đã dành bộ sách cuối cùng của đời mình cho sông Gianh quê tôi. Một ngày mùa thu Hà Nội anh ngồi với tôi ở quán cóc bên đường, nhìn  lá vàng rơi đuổi nhau trên đường phố, bỗng dưng anh hỏi tôi, nói Lập có nhớ rạm bè sông Gianh không. Tôi không trả lời, nhìn anh chờ đợi. Rất lâu sau anh rưng rưng nhìn tôi, nói những con rạm bè khát sống nhưng chúng khát sống để sống vì nhau, có phải không em?


 Khi đó tôi ứa nước mắt nhìn anh. Tôi  nhớ đến vụ chìm đò ở Quảng Hải tết năm kia, hơn bốn mươi người chết. Trong số đó có một cô bé mười ba tuổi. Khi biết mẹ đã kiệt sức vì vừa bơi vừa phải dìu mình, cô bé đã buông mẹ ra, nói mẹ phải sống để nuôi em, rồi lặng lẽ chìm xuống đáy sông sâu.


Ôi những con rạm bè Sông Gianh, làm sao tôi quên được.


..................


* Có người còn gọi nó là dãy Lệ Đệ

Thứ Ba, 1 tháng 2, 2011

Tết về lại nhớ…





[caption id="attachment_9650" align="alignleft" width="225" caption="NQL 19 tuổi"][/caption]

Tết nào cũng vậy, cứ qua giao thừa, vui vẻ với vợ con xong là mình ra một góc riêng, ngồi nhâm nhi chén rượu nghĩ và nhớ vẩn vơ. Càng về già càng hay nhớ chuyện thời con nít, nhớ nhất là bốn người bạn khổ đau của mình, đó là con Hà, thằng Hoàn, thằng Tý, thằng Dư.


Con Hà dong dỏng cao, trắng trẻo, tóc dài. Nhà nó năm chị em gái, ai cũng xinh. Mình chơi thân nó từ thủa mới một hai tuổi. Nhà nó ở sát nhà mình. Bé thì cùng đi chơi, lớn thì cùng đi học. Có bất kì cái gì nó cũng để phần cho mình, kể cả mấy lát khoai deo. Em nó đòi nó không cho, kiên quyết để dành cho mình. Mới 11 tuổi ngực nó đã nhú trái cau. Thỉnh thoảng nó lại vén áo cho mình xem đôi núm vú bé xíu của nó. Mình lấy ngón tay ấn ấn hỏi đau không, nó nói mới mọc hơi đau đau giờ hết rồi. Mình nhìn đôi núm vú say sưa, nói hay hè hay hè. Nó nói rồi to bằng người lớn tề. Mình nói tởm hè. Nó lườm mình, nói tởm răng mà tởm, phải to bằng người lớn để cho con bú chớ. Minh nhăn răng cười, nói tởm.


Mình nhớ hôm đó mình được mạ cho 5 hào, vừa đến lớp đã khoe với nó liền. Nó nói để tao cất cho, mi cất mấy anh mi lấy mất. Mình nói mai mi đi chợ mua ăn hết luôn. Nó nói mua chi, mình nói bánh tráng bánh đúc, chỉ hai đứa mình ăn thôi, không cho đứa mô hết. Nó nói ừ không cho đứa mô hết. Mình nói ừ không cho đứa mô ăn hết. Hai đứa vừa tranh nhau nói vừa nuốt nước bọt ừng ực.


Sáng chủ nhật ngủ dưới hầm, ngủ chán mắt thì thôi, nghe bom nổ ầm ầm cũng không thèm dậy. Đến khi chui ra khỏi hầm thấy mạ mình đứng nói chuyện với mấy người hàng xóm, nói bom thả trúng chợ chết hết rồi. Lúc đầu cũng chỉ ngồi nghe thế thôi, sau sực nhớ sáng nay con Hà đi chợ, mình ù té chạy xuống chợ.


Chợ ở đầu làng, nằm dưới rặng trâm bầu. Bốn quả bom thả trúng chợ, nát bét hết, nước mắm, muối, bún, bánh đa, bánh đúc, thịt cá… lẫn trong máu, cát và thịt người. Mình chạy về nhà con Hà. Nhà nó chật kín người, cả nhà nó đang khóc rú. Mình chen vào.Con Hà nằm trên tấm chiếu hoa trải giữa sân, phủ một tấm vải trắng trùm kín đầu. Không thấy gì hết, chỉ thấy bàn tay nhỏ xíu của nó chuồi ra khỏi tấm phủ đang nắm chặt khư năm hào.


Khi đó mình không khóc, mình nhớ như in khi đó mình không khóc.


            Thằng Hoàn là bạn học lớp 5 với mình, hồi mình sơ tán lên thung lũng Chớp Ri miền tây Quảng Bình. Nó sứt môi trên, sứt rất rộng, hầu như môi trên không có. Vì thế nó nói tiếng nghe bèn bẹt, lại ngọng, cô giáo thì nói cơ do, mình thì nó kêu thàn Lậc. Thằng Hoàn thông minh, làm toán nhanh như chớp nhưng chưa khi nào đạt học sinh tiên tiến, vì nó cho rằng học là ở lớp, còn ở nhà là chơi. Chưa bao giờ nó chịu làm bài tập về nhà, cô giáo hỏi sao không làm? Nó bảo thơ co eng khô lèng (thưa cô em không làm). Cô giáo hỏi tại sao em không làm? Nó nói thơ co tài vì eng khô lèng (thưa cô tại vì em không làm), thế thôi. Điểm 0 điểm 1 nó không sợ.


            Mình chơi thân với thằng Hoàn chỉ vì nó bẫy nhím, bắt gà rừng tài quá. Hôm nào cũng vậy, cứ học về, ăn xong là mình tót đến nhà nó liền, ngồi chầu chực để nó cho vào rừng với nó. Nhà nó lúc nào cũng có mỗi mình nó, mạ nó bỏ nhà theo trai khi nó chưa đầy hai tuổi, ba nó đi làm tối ngày mới về, mặc kệ nó muốn làm gì thì làm.


Lần đầu mình vào rừng với thằng Hoàn, bắt được hai con nhím, một con gà rừng. Nó đưa mình đến bên bờ suối nhỏ, rút sáo ra thổi. Nó thổi sáo mũi rất hay. Nó nói Tang thở ráng ra đái (tao thổi, rắn ra đấy). Tưởng nó nói chơi, ai dè nó thổi một lúc, một con rắn hổ mang to bằng cổ chân bò từ gốc cây trước mặt ra, khoanh tròn, say sưa nghe tiếng sáo. Cái đầu con rắn nhô cao, lắc lư theo tiếng sáo.


 Mình sợ tái mặt, hỏi nó mày thổi sáo gọi rắn làm gì? Nó bảo Tang nhớ mạ tang. (Tao nhớ mạ tao). Mình cười, nói mạ mày là con rắn à? Nó gật đầu, nói Ba tang nó mạ tang là cơng ráng đật (ba tao nói mạ tao là con rắn độc). Mình chẳng biết nói sao, ngồi im. Chẳng ngờ hết lớp năm mình về quê, năm sau thì nghe tin nó chết. Hỏi bạn vì sao thằng Hoàn chết, chúng nó bảo rắn cắn. Buồn ơi là buồn.


Thằng Tý ở làng Đông với mình. Nó bị mù hai mắt, mù bẩm sinh, mắt nó toàn lòng trắng như hai quả trứng chim. Suốt ngày nó ngồi ở gốc cây cừa trước nhà thổi sáo. Thổi rền rĩ bài này sang bài khác, đến khi kiệt sức thì nó ngủ. Nó ngồi tựa gốc cây cừa cứ thế ngủ. Nó ngủ không nhắm mắt, đôi mắt trăng nhỡn của nó mở to trông ra cánh đồng. Tuồng như nó không đi đâu, cứ ngồi thế, ăn ngủ ở đấy luôn, mạ nó van lạy thế nào nó cũng chịu vào nhà, trừ khi mưa gió. Có hôm máy bay bỏ bom, ai nấy bỏ chạy tan tác, nó cũng cứ ngồi đấy. Vừa hết bom mình chui ra khỏi hầm đã nghe tiếng sáo của nó rồi. Mình chạy đến chỗ nó, nói mi không vô hầm à. Nó ngồi im, rất lâu sau nó thở hắt, nói răng bom thả nhiều rứa mà tao không chết hè.


Ngày tết nó mừng lắm, bà con qua lại ai cũng cho quà cho tiền mừng tuổi nó. Nó ngửi áo mới, nói áo tao đẹp không. Mình nói đẹp. Nó nói áo mi đẹp không. Mình nói đẹp. Nó nói áo mạ tao đẹp không. Mình nói đẹp. Nó nói  mi nói láo, mạ tao không có áo mới. Mình nói răng mi biết. Nó nói tao biết mùi áo mới. Rồi nó khóc, nói nhưng tao nỏ biết đẹp là răng.  Cứ  mỗi lần nhớ đến câu nói của thằng Tý là mình ứa nước mắt.


Thằng Dư ở sát ngay sau hồi nhà mình. Nó bị dị dạng từ khi mới lọt lòng. Chân phải bình thường, chân trái có hai đầu gối, một đầu gối bình thường và một đầu gối mọc thêm ở giữa cẳng chân, có xương bánh chè đàng hoàng, không phải khối u, giống hệt cái đầu gối thật.Vì thế nó đi lại rất khó khăn, mỗi bước đi đều khuỵ xuống hai lần, y như người ta nhún vậy. Nó không có ba, mạ nó sinh hai đứa, nó là Dư, em nó là Thừa. Hình như mạ nó nghĩ không đẻ đứa nào thì mới đủ.


Mạ nó làm cách nhà bốn chục cây số, lâu lâu mới về. Hàng ngày nó cõng em bước bước nhún nhún đi từ nhà ra chợ rồi quay về, tổng cộng ba cây, trọn vẹn một buổi sáng. Mạ mình nói mày muốn mua gì bác mua giùm cho, nó nói không, lưng cõng em, bước bước nhún nhún cứ thế lết ra chợ rồi lết về, ngày nào cũng thế. Nhiều khi đi cùng đường, mình nói đem tao cõng em cho đi cho nhanh, nó nói không, cứ thế lầm lì bước bước nhún nhún. Có hôm mưa to quá, mình nói đem tao cõng em cho về mau không ướt hết, nó nói không, cứ thế  bước bước nhún nhún trong mưa. Hình như óc nó không có khái niệm giúp đỡ hay nhờ vả, chưa thấy nó sang nhà ai bao giờ, kể cả ba ngày tết. Mình vẫn hay lân la sang nhà nó, hỏi cái gì nó cũng trả lời nhát một, ít khi nói quá ba từ.


 Mặt nó trông sợ lắm. Mắt trái bình thường nhưng mí mắt phải là một khối thịt lớn trùm xuống đến tận cằm. Ai chưa quen, nhìn mắt nói ghê lắm, về không ăn được. Mình đã lật cái mí mắt phải nó lên, trong đó là một miếng thịt hồng tươi, nhầy nhụa máu. Vì thế mỗi khi nó khóc, mắt trái chảy ra nước mắt, mắt phải chảy ra máu. Sợ chết đi được. Nó ăn cơm, cúi gằm mặt và cơm, mí mắt phải nhúng cả vào bát, nó cũng mặc kệ. Mình hỏi nó sao mày không vào viện cắt đi cho khỏi vướng. Nó cười nói không. Mình hỏi sao, nó nói trời cho.


  Mình 17 tuổi, to cao như người lớn, nó vẫn bé vậy, không lớn thêm được chút nào, 19 tuổi đầu vẫn bé tí, em gái nó còn lớn hơn cả nó. Chiều hôm đó, mùa hè năm 1974, mình đi thi đại học về gặp nó cõng em vừa đi vừa nhún trên đường cái quan, giữa nắng chang chang. Không phải cõng, nó khuân em như khuân một bao tải nặng trịch trên lưng. Em nó nằm sấp sau lưng nó, hai chân quệt đất, cứ thế để cho nó kéo đi.


 Mình hỏi em mày sao, nó nói nóng. Mình nói đem tao cõng xuống viện cho, nó nói không, cứ thế bước bước nhún nhún. Mình giật lấy em nó đòi cõng thì thấy em nó lạnh ngắt, cứng queo từ lúc nào. Mình nói em mày chết rồi. Nó nói không, lầm lì kéo em đi, vừa đi vừa khóc, mắt trái dầm dề nứớc mắt, mắt phải dầm dề máu.


Nhiều lần muốn làm phim về bốn đứa bạn khổ đau của mình nhưng lần lữa mãi. Tết nào ngồi nhớ chúng nó đều nghĩ bụng nhất định năm sau phải làm phim, cho đến bây giờ phim vẫn chưa có. Thật buồn cho mình quá.