Thứ Tư, 30 tháng 6, 2010

Lai rai world cup 3

3. Nhớ Liên Xô vẫn là nhớ những mùa world cup, hồi đó tối nào có tuyển Liên Xô ra sân là dân tình háo hức lắm, nôn nao chờ đến giờ bóng lăn, y chang như đội tuyển nhà mình thi đấu vậy. Cầu thủ Liên Xô ai cũng thuộc mặt nhớ tên, quên ai thì quên chứ  những Oleg Blokhin,  Rinat Dasaev, Anatoly Demyanenko, Lev Yashin, Oleg Protasov thì không thể quên được. Tham gia World cup từ năm 1958, trừ năm 1974 vì tự ái không đá với Chile bị Fifa xử thua, không lọt được vào chung kết, còn thì từ đó cho đến năm 1990 không world cup nào Liên Xô không có mặt, thậm chí năm 1966 họ đã vào tận bán kết.


 Một đội tuyển quốc gia liên tù tì lọt vòng chung kết World cup là đáng nể lắm nhưng dân mình thì nghĩ khác, Liên Xô là nhất, thắng là đương nhiên thua là vô lý. Xưa báo chí không đưa tin  Euro, world cup nhưng hễ Liên Xô thắng trận nào hết thảy đều đưa tin rất háo hức, thua thì lờ  đi, hi hi. Hồi mình mới năm sáu tuổi chi đó, hình như năm 1960 thì phải, một chiều đi học về thấy mâm cỗ to, tưởng giỗ kị gì té ra ba mình nghe tin Liên Xô vô địch Euro cup mừng quá mổ luôn con heo mới nuôi hơn chục cân ăn mừng.


Còn nhỏ chẳng biết Euro ơ reo là cái gì, được ăn cỗ là mừng rồi. Vừa ăn vừa nghe lóm bác Thông với ba mình kháo chuyện Liên Xô nghe sướng rêm. Bác Thông làm ở công an tỉnh, trưởng phó ty gì đó nhưng chưa thấy bác đi xe con về nhà bao giờ, từ Đồng Hới về Ba Đồn hơn bốn chục cây bác toàn đạp xe đạp. Hễ bác đạp xe về nhà, thế nào cũng dừng lại trước ngõ nhà mình, chân dạng tay phanh háo hức đưa tin Liên Xô, chỉ đưa tin Liên Xô không thôi, chưa khi nào bác đưa tin nước khác.


Khi thì bác nói này, biết tin gì chưa, Liên Xô vừa thử bom nguyên tử thành công. Khi khác lại nói này, biết tin gì chưa, Liên Xô vừa phóng thành công vệ tinh nhân tạo. Chuyện bóng đá cả ba mình lẫn bác Thông đều say. Một hôm, hình như năm 1962, thấy bác Thông kéo tay ba mình thì thầm, nói biết tin gì chưa, nội bộ tuyển Liên Xô có vấn đề rồi, thua cả Colombia, Uruguay thì lạ quá. Ba mình gật gà gật gù mặt mày nghiêm trọng, nói chắc không phải đâu anh, tui nghe nói Lev Yashin bị cúm, bắt hỏng nhiều quá. Bác Thông trợn mắt xua tay, nói anh nói chi lạ, cúm răng mà cúm, Liên Xô mà cúm à.


Năm 1966 mình học lớp 2, chiến tranh phá hoại đã lan rộng khắp khu IV, dân Thị trấn sơ tán ra trảng cát, ngày đêm chui rúc dưới hầm cát khổ cực vô cùng, thế mà bác Thông với ba mình vẫn say sưa chuyện bóng đá. Bóng đá World cup chỉ nghe qua đài BBC, bác Thông là công an được nghe đài BBC thoải mái. Thỉnh thoảng ba mình chui ra khỏi hầm, chạy sang nhà bác Thông, nói răng rồi răng rồi. Bác cười khà khà, nói Liên Xô thắng chơ răng, Liên Xô toàn thắng, Bắc Triều tiên cũng thắng. Ba mình lập tức mổ con gà nấu cháo cho cả nhà ăn, cổ cánh để dành cho bác Thông với ba mình nhậu mừng Liên Xô, Bắc Triều Tiên thắng lợi.


Bác Thông nhấp chén rượu khà một tiếng rõ to, nói è he đế quốc thực dân chơi chi lại Liên Xô. Ba mình chấm chấm mút mút cánh gà, nói đúng đúng, chuyến ni Liên Xô, Bắc Triều đều vào tứ kết, giỏi quá giỏi quá. Đến khi nghe tin Bắc Triều Tiên thua Bồ Đào Nha ở vòng tứ kết, bác Thông chạy sang nhà mình, ngồi bệt giữa nhà, nói Bắc Triều thua Bồ rồi, tức quá tức quá. Ba mình ngồi thừ thở hắt ra, nói răng rứa hè. Bác Thông trợn mắt chém tay, nói tại thằng Nam Hàn nó phá quá, các đồng chí mình không yên tâm đá bóng. Ba mình gật đầu cái rụp, nói đúng đúng, mả cha thằng Nam Hàn ác chi ác lạ. Đó là lần đầu tiên mình nghe ba mình chửi thề.


Mình nhớ như in buổi chiều tháng 7 năm đó ( 1966), một buổi chiều khốc liệt dân Thị trấn quê mình. Máy bay Mỹ thả bom trúng bãi giấu xăng dầu của bộ đội ở làng Chánh Trực, lửa cháy ngút trời từ 2 giờ chiểu đến 8 giờ tối. Máy bay Mỹ hết đợt này đến đợt khác quần nát Thị trấn, dân Thị trấn kéo nhau chạy lên làng Vùng Nổ, ba bốn chục người nhét chật cứng một hầm, nhiều đứa con nít ngất xỉu, thằng Vinh ( Nguyễn Quang Vinh) cũng ngất, nếu ba mình không kịp lôi nó ra khỏi hầm chắc nó chết luôn.


Cả nhà mình rời khỏi làng Vùng Nổ chạy ngược lên làng Đông Dương. Dọc đưòng gặp nhà bác Thông cũng đang gồng gánh chạy lên làng Pháp Kệ. Nửa đêm gặp nhau trên trảng cát, ai nấy xơ xác tơi tả nói không ra hơi, cơm không nước hết đói khát vàng mắt. Không thể tin được ba mình với bác Thông lại nói chuyện bóng đá. Bác Thông hớt hãi chạy đến, nói anh Đạng anh Đạng, biết tin gì chưa, Liên Xô thua rồi.


Mạ mình, chị Nghĩa chị Liên tưởng Liên Xô thua Mỹ sợ quá khóc rú lên. Bác Thông vội vàng xua tay, nói không phải mô không phải mô, Liên Xô đời mô thua Mỹ, là nói chuyện thua bóng đá. Bán kết Liên Xô thua Đức, tranh giải ba Liên Xô thua luôn Bồ, rứa mới đau. Ba mình đứng lặng phắc, rất lâu sau ông mới thở hắt ra, nói toàn đế quốc thực dân thắng cả hà bay, đ. mạ. Lần đầu tiên mình nghe ba mình văng tục.


Hồì nhỏ không thể hiểu được, cứ tưởng bóng đá là chuyện của con nít quan tâm, ai dè các cụ say bóng đá yêu Liên Xô đến mức ấy. Đến khi lớn lên, được xem ti vi, biết world cup là gì, biết Liên Xô đá đấm ra sao thì mình cũng có tâm trạng y chang các cụ. World cup 1986, Liên Xô gặp Bỉ ở vòng 2, trận ấy Liên Xô đá trên cơ Bỉ nhưng ông trọng tài, tên gì quên mất rồi, xử ép, bắt việt vị tào lao, mấy lần Liên Xô được hưởng 11 m đều lờ tịt. Liên Xô thua tan nát, cả hội ngồi lặng thinh, im lặng như một nấm mồ. Anh Ngô Minh nốc cạn chén rượu dằn mạnh cái chén, nói đ. mạ, có thằng trọng tài ở đây tao đấm nát mặt.


World cup 1990, hồi này chia tỉnh mình đã ra làm việc ở Quảng Trị, Liên Xô thắng Cameroon 4-0 ai nấy hỉ hả, nhậu nhẹt  tưng bừng cho đến sáng, ca hát vang trời. Đến khi đá với Argentina thua, đá với Romania thua tiếp ai nấy thất thần như người mất sổ gạo. Trận đá với Romania, thua 2 quả rồi mà Liên Xô rề rà như là đang thắng, có cảm tưởng đá tảng đang đeo chân họ. Chị Kim Quí, nghệ sĩ kịch nói, rất ít khi xem bóng đá, chỉ trận nào có Liên Xô chị mới thức xem với chồng con. Thấy cầu thủ Liên Xô chạy lệt bệt trên sân, chị sốt ruột kêu to, nói vơ Liên Xô nời, đá đi với.


Nhưng Liên Xô không nghe chị Kim Quí, họ rời world cup với những gương mặt thất trận, buồn thế thảm. Đó cũng là hình ảnh cuối cùng mình nhìn thấy Liên Xô, từ đấy về sau vĩnh viễn không còn thấy Liên Xô trên sân cỏ thế giới nữa. Cả quạt tai voi, xe đạp Sputnik, tủ lạnh Saratop cũng không còn. Ôi Liên Xô ôi là Liên Xô.


(Còn nữa)


 

Thứ Sáu, 25 tháng 6, 2010

Nói không với xấu hổ

Sau ba năm “"Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục", năm nay ngành giáo dục đạt đến được “thành tích” không ngờ, tỉ lệ tốt nghiệp đạt 90%, bằng với tỉ lệ tốt nghiệp năm 2006 là năm tình trạng tiêu cực lên đến đỉnh điểm buộc ngành giáo dục phải giương cao ngọn cờ hai không. Thật lạ kì.


Năm thứ nhất thi đua hai không từ chỗ đạt tỉ lệ 90% đổ lên đã tụt xuống 70-80%. Lại tiếp tục thi đua, năm thứ hai tụt xuống 50-60%. Lại  tiếp tục thi đua nữa, năm thứ ba tụt xuống 30-40%, nhiều tỉnh chỉ 20%, thậm chí có tỉnh chỉ  đạt 14%.  Có người kêu tình hình này chỉ cần đến năm 2020 tỉ lệ tốt nghiệp phổ thông chỉ còn 1-2%, có khi không phần trăm, âm phân trăm cũng không biết chừng. Thậm nguy thậm nguy.


Thế mới biết nếu chỉ nói không với tiêu cực chứ không nói có vớí chất lượng giáo dục, quanh năm suốt tháng loay hoay cải cách giáo dục mà không biết cải cách cái gì, cải cách như thế nào thì càng nói không với tiêu cực càng rơi vào bế tắc. Chất lượng giáo dục được xây dựng trên cơ sở triết lý giáo dục lỗi thời, chủ yếu để tạo ra thứ học trò biết vâng lời dễ sai bảo, không tôn trọng cái tôi của học trò, tư duy tự do được coi như một mối nguy hại thì cải cách đến giời không vẫn hoàn không. Từ trước đến nay chưa ai nghĩ muốn cải cách giáo dục phải bắt đầu từ triết lý giáo dục, thời nào cũng thế hễ nghĩ đến cải cách giáo dục là lập tức nghĩ đến xây dựng phong trào, rõ bi hài.


Trước đây có phong trào hai tốt bị coi là hai dốt. Dốt ở đây nghĩa là dại. Mà dại thật, bày ra hai tốt tạo điều kiện cho thầy trò thi đua học dối thi gian, tỉ lệ tốt nghiệp cao ngất ngưỡng mà chất lượng lắm khi tụt xuống gần với zero. Ai đời thua ông tú tài thời nay không biết Đông Nam Á ở đâu, ngày 2/9/1945 là ngày nào, còn bảo khai căn với luỹ thừa khác gì bảo đầu gối ngâm thơ. Học trò như thế  tất nhiên thầy xấu hổ rồi, thế là bỏ hai tốt làm ra cái hai không.


Khốn thay hai không người ta lại bảo hai khờ. Khi không tự mình đánh tụt thành tích của mình có phải khờ không. Phụ huynh la làng, nói thầy cô dạy dỗ thế nào con cái chúng tôi trượt hết thế này. Tỉnh than huyện trách xã mắng, nói giáo dục làm ăn kiểu gì thi cử mỗi năm mỗi kém, giáo dục chống được tiêu cực thì chúng tôi mất điểm thi đua, chống tiêu cực hay trù ẻo nhau đây. Rồi thì Sở phòng  kêu mất cờ quạt, trường lớp kêu mất học trò, thầy cô kêu mất tiền thưởng. Khờ quá là khờ.


Trở lại với hai tốt không xong, giữ cái hai không chẳng được, đành đánh bài lờ thả nổi để cho thầy trò vào cuộc thi cử “Dĩ bất biến ứng vạn biến”. Dĩ bất biến là thành tích tốt nghiệp phải trở lại như xưa, ứng vạn biến là như vầy như vầy… không nói ai cũng biết. Kết qủa thật không ngờ, năm ngoái tốt nghiệp ba bốn chục phần trăm, năm nay đại nhảy vọt tám chín chục phần trăm tất tần tật.Tỉnh bét dem năm ngoái đạt 14,2% năm nay đạt 95%, trường bét dem năm ngoái đạt 0% năm nay đạt 96%. Thất kinh.


Tất nhiên thầy cô ngoài mặt thì giả bộ vui mừng nhưng trong lòng thì xấu hổ lắm. Ai chẳng biết để có kết quả đó thầy cô phải biết hai không, không nghe không thấy, học trò hỏi bài nhau, quay cóp nhau tha hồ, giám thị có mắt như mù có tai như điếc. Thế nên có tập bài thi tất cả các bài đều nhất tề gọi nhà máy điện Yên Phụ là nhà máy Điện Biên Phủ. Có tập bài thi tất cả các bài thi gọi việc Pháp gửi tối hậu thư yêu cầu ta "trao quyền kiểm soát Thủ đô” thành ra “trao quyền sát sinh cho chúng” ( Theo SGGP online). Rõ là thiên tài copy and paste. Khổ thay, các tập bài thi ấy thầy cô đều muối mặt cho điểm 7 điểm 8, chẳng ai dám cho điểm 1 điểm 2.


 Cứ tưởng học trò như thế, thi cử như thế ai không xấu hổ người đó chắc chắn không phải là nhà giáo. Chẳng dè nghe một nhà giáo hân hoan khoe với quốc hội mà giật cả mình: “Tiêu cực thi cử năm nay giảm hẳn, không còn là bức xúc xã hộiTại kỳ thi 2007 có 2.612 thí sinh bị đình chỉ thi, năm 2010 chỉ còn 90 (giảm gần 97%). Tương tự, số giám thị bị đình chỉ cũng giảm từ 32 xuống còn 1 (giảm 97%).” Rõ là con số không ngờ, con số khó tin, con số gây sốc, con số chỉ có thánh thần mới làm được.


 Có thật số thí sinh và giám thị vi phạm giảm hay việc đánh bài lờ, tha bổng không đình chỉ tăng? Có thật chất lượng học sinh tăng cao hay việc chống tiêu cực giảm hẳn? Có thật giáo dục vẫn đang nói không với tiêu cực hay đã trở về nói không với xấu hổ? Hu hu…


 

 

Thứ Năm, 24 tháng 6, 2010

Lai rai world cup 2

2. Kịp đến năm 1982, world cup năm đó gọi là España 82, dân mình mười người có năm sáu người đã biết World cup là gì rồi. Báo chí đã đưa tin nhiều hơn, có báo còn tường thuật hẳn hoi, khi đó mới biết té ra World cup có từ đời tám hoánh, từ năm 1930 lận, thời đó chắc dân mình ít ai biết quả bóng đá to nhỏ thế nào.


Ti vi thời này không phát trực tiếp được, giả có phát trực tiếp cũng không phát được, ti vi phát đến 11 h đêm thì nghỉ trong khi World cup toàn diễn ra nửa đêm về sáng. Ti vi trung ương thu lại các trận đấu world cup nhưng cũng chẳng phát lại, chắc là sợ tốn ti vi, ti vi làm ra là để giáo dục công chúng, ai lại mất mấy tiếng đồng hồ để phát bóng đá thiên hạ, có mà điên. Thời này chức năng giải trí không được coi trọng, nghe đến chức năng giải trí của văn hoá thể thao như nghe mấy chuyện dở hơi, rất khó nghe.


Nhưng ti vi khôn ngoan, bèn ghi băng vidéo chiếu lại cho dân ghiền bóng đá xem, tổ chức bán vé thu tiền đàng hoàng, gọi là làm kế hoạch 3, toàn xem lại các trận đấu đã diễn ra ngày hôm trước nhưng ai nấy phấn khởi vô cùng.


Mình nhớ hồi đó ngày nào cũng mong đến 6 giờ tối để đến Đài truyền hình Huế xem bóng đá world cup, có người còn đem sổ sách ghi chép đàng hoàng. Bây giờ mới biết Rossi, Platini, Keegan…tròn méo ra sao. Rồi mày mò tìm kiếm các danh thủ trong lịch sử bóng đá thế giới, những Matthews với Di Stéfano, Kopa với Masopust… ai nấy đua nhau kể ra vanh vách.


Rồi nảy nòi ra cái mốt văn hoá World cup, phàm là đàn ông ai không biết các danh thủ, các đội bóng World cup bị coi như văn hoá lùn. Thành thử Đài truyền hình Huế tối nào cũng đông nghịt, đa số là dân báo chí và văn nghệ, nếu không đến sớm sẽ mất chỗ. Anh Tô Nhuận Vỹ đi họp về không kịp ăn cơm vác xe đạp chạy, được nửa đường xe xịt lốp, anh ném xe đạp cho mấy ông sửa xe chạy bộ mấy cây số liền cho kịp giờ xem, đến nơi vừa thở vừa nói vào chưa vào chưa.


Họp chi bộ bình bầu Đảng viên bốn tốt, cái trò bầu bán góp ý phê bình bao giờ cũng lâu, tối om rồi vẫn chưa xong. Anh Vinh Nguyễn vụt đứng dậy, nói báo cáo tôi xin nhận tôi ba tốt, còn một tốt nữa phấn đấu sau, dứt lời anh vụt chạy. Anh Văn Lợi cười hì hì, nói họp chi bộ dám bỏ nửa chừng đi xem bóng đá, phen này rồi tốt làm ông ơi. Vinh Nguyễn nói kệ, tốt làm thì tốt làm, Ba Lan đá với Ý chết tôi cũng phải xem.


Thấy người ta kéo nhau đi xem đông vui, anh Hải Bằng cả đời không biết bóng đá là gì cũng đạp xe đến Đài truyền hình xem.  Tối đó CHLB Đức đá với Anh, Hải Bằng chẳng biết đội nào ra đôi nào cứ quay đi quay lại hỏi, nói quân mình bên mô quân mình bên mô. Có người nói toàn đế quốc sài lang cả thôi, quân mình mô mà quân mình. Anh nói không có đội Liên Xô à, mọi người nói không, trận này Liên Xô nghỉ đá. Anh cười cái hậc, nói è he không có Liên Xô coi mần chi, ẻ vô. Nói rồi xách xe về thẳng.


Thời đó cứ mỗi lần có Liên xô xuất trận dân tình háo hức lắm. Với nhiều người Liên Xô là nhất, Mỹ chỉ là cái đinh gỉ. Kuwait, Honduras còn vào được World cup mà Mỹ chẳng thấy khi nào ló mặt vào, đúng là con hổ giấy hi hi. Hôm trước Liên Xô thắng New Zealand  3-0 dân tình hả dạ lắm, nói Liên Xô rứa mới Liên Xô chớ. Hôm sau Liên Xô thua Brazil 2-1 mọi người tức lắm, nói cha tổ, Brazil chỉ có cà phê chứ có cứt chi mô mà Liên Xô thua hắn hè, tức rứa không biết.


World cup 1986, gọi là Mexico86,  cả nước đã xem được truyền hình trực tiếp, dân ghiền bóng đá thức trắng đêm này sang đêm khác, mệt phờ râu nhưng mà sướng. Lần đầu tiên được xem trực tiếp các trận đấu World cup, ít ai chịu bỏ trận nào. Đêm thức trắng, sáng ra ra quán cà phê bàn tán cho đến trưa rồi kéo nhau đi nhậu, ngủ một giấc đến chiều tối để rồi lại thức trắng đêm. Cả tháng World cup chẳng ai làm được việc, vợ con cũng xếp xó. Chị Tâm vợ Ngô Minh thấy chồng xách xe ra khỏi nhà là ngửa mặt kêu trời nói rồi,  lại vôn cúp rồi, đêm mô cũng vôn cúp không biết trời đất chi hết. Đã nghiện thơ nghiện rượu giờ lại nghiện bóng đá, rứa có chết không.


Mọi người hay tập trung nhà anh Tường (Hoàng Phủ Ngọc Tường) xem bóng đá. Anh có ti vi to, cả nhà anh đều mê bóng đá, chị Dạ (Lâm Mỹ Dạ) lại siêng bày nhậu nhẹt, đến đấy hò hét rất sướng. Năm đó anh Quán (Phùng Quán) cũng đang ở chơi nhà anh Tường, anh không mê bóng đá nhưng làm món nhậu thì hết chê. Một giờ sáng bóng mới lăn, 6 giờ tối mâm rượu đã bày, nhậu đến khi có bóng đá anh Quán đã say nhừ. Anh nằm thẳng cẳng mặc kệ mọi người hò hét, thỉnh thoảng lại giật mình choàng tỉnh, nói vào chưa vào chưa, rồi lại nằm thẳng cẳng.


Anh Sơn (Trịnh Công Sơn) ra Huế chơi, trúng mùa World cup anh chạy sô xem bóng, khi nhà anh Bửu Ý khi nhà anh Vinh Nguyễn khi nhà anh Tường. Có anh Sơn tụi mình thích lắm vì khi nào anh cũng cắp theo một chai Ararat. Thời đó chỉ có anh Sơn mới dám chơi rượu tây, đa phần văn nghệ Huế chỉ dám xài đến bia Huda là sang lắm rồi. Có chai rượu mà người cả đống, chỉ khi nào có một quả lọt lưới anh mới rót cho một người nửa chén uống mừng tây thắng địch thua. Có lần đợi mãi không thấy có quả nào vào, anh Ngô Minh chồm đến ti vi, chõ mồm vào ti vi, nói nời, đá vô đi với bay, từ tối đến giờ tao mới được nửa chén Ararat thôi, sèm chết được.


Hay nhất vẫn là chị Dạ, trận nào chỉ cũng mong hoà hết kể cả vòng loại knock-out. Mọi người bàn tán đội này thắng đôi kia thua, chị một mực xua tay, nói không không, hoà hoà, hoà kẻo tội, đội mô thua cũng tội hết a. Anh Tường nói em hay chưa, đá bóng có thắng có thua, rứa mới hay chơ. Chị lắc đầu ngúng nguẩy miệng nói tay xua, nói không không, hoà hoà. Trận Tây Ban Nha-Algérie, Tây Ban Nha thắng một quả chị chắp tay nói lạy trời lạy phật hoà hoà, thắng quả thứ hai mặt chị méo xệch, thắng quả thứ 3 mắt chị đầy nước, suýt nữa thì khóc oà. Thấy thế anh Sơn chõ miệng vào ti vi kêu to, nói hoà đi Tây Ban Nha ơi, Mỹ Dạ sắp khóc đây này.


Bảng C là bảng có Liên Xô tất nhiên mọi người quan tâm nhất, mỗi lần Liên Xô đá vào quả nào là mọi người la hét ầm ĩ, nhảy cà tẩng, mừng như cha chết sống lại.  Hồi này Liên Xô khá mạnh, vòng bảng không thua trận nào, thậm chí còn giã Hungari đến 6-0, sướng ngây ngất. Mẹ chị Dạ nói Hungari quân mình hay quân hắn, mọi người nói quân mình, bà lắc đầu thở ra, nói quân mình ăn quân mình hà bay, ăn chi ăn tàn bạo.


Nhưng sang vòng loại trực tiếp Liên Xô bị Bỉ hạ đo ván, Liên Xô thua Bỉ chung cuộc 4-3. Trận cầu nhiều bàn thắng, chai Ararat của anh Sơn sạch bách khi chưa xong trận đấu. Đến khi Bỉ gỡ hoà 3 đều mọi người vẫn tin Liên Xô sẽ thắng, dè đâu thua chung cuộc 4-3, mọi người nhìn nhau ngẩn ngơ, buồn hơn chấu cắn. Mẹ chị Dạ ôm mặt kêu to, nói ôi Liên Xô ôi là Liên Xô…


(Còn nữa)

Thứ Ba, 22 tháng 6, 2010

Lai rai world cup 1

1.Từ xưa đến nay giới nào cũng hâm mộ bóng đá, có người nghiện còn hơn nghiện thuốc phiện, giới văn nghệ cũng thế. Văn nghệ vốn dĩ ham vui, bóng đá là trò chơi nghệ thuật vừa vui vừa hấp dẫn, thành thử văn nghệ mười anh thì có mười một anh mê nó. Nhân dịp bóng đá World cup mình lai rai kể chuyện bóng đá trong giới văn nghệ cho vui.


Nhớ lại nhiều chuyện vui phết.


Những năm 70-80 thế kỉ trước rất ít ai biết Euro cup,  World cup là gì. Tin bóng đá thế giới chỉ có một mẩu nhỏ tí hin trên báo Nhân dân, báo Hà Nội mới, các bóng khác không hề quan tâm. Mình nhớ mẩu tin hình như chỉ vài chục chữ, ví dụ, chỉ ví dụ thôi nhé, Hôm qua tại vòng đấu bảng Euro cup ở Ý, CHLB Đức thắng Bỉ hai không. Bỉ chính thức bị loại. Đại khái thế, một dòng tin cụt lủn khô khan, chẳng nói ai đá vào, đá vào ở phút nào, ai máu thì mở đài tây mà nghe, báo chí ai lại đi tường thuật bóng đá.


Thế mà anh Thanh Thảo đã biết hết, anh còn biết bóng đá Anh, bóng đá Pháp, bóng đá Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đủ cả. Thời đó người ta có quan tâm cũng chỉ quan tâm nước nào đá với nước nào, mấy ai quan tâm đến vòng bảng với vòng loại. Trong giới văn nghệ hình như duy nhất chỉ có Thanh Thảo biết kẻ bảng tính điểm bảng A bảng B… đội nào thắng đội nào thua, đội nào được mấy điểm, đội nào nhất bảng đội nào nhì bảng, đội nào vào tứ kết vào bán kết vân vân…  Có được mấy thông tin đó có dễ dàng gì đâu, phải kẹp đài tây nghe suốt ngày, nhặt nhạnh từng tí rồi mới cạy cục sắp xếp rất kì khu, mất thời gian tốn công sức lắm.


1978-1980 Thanh Thảo học Nguyễn Du khoá I ở khu tập thể Vân Hồ, mình học Bách Khoa ở gần đấy vẫn hay sang chơi, nghe anh kể tên các danh thủ nước ngoài dễ dàng như lấy từ túi áo ra nể phục anh vô cùng. Anh chẳng biết mình là đứa mốc xơ nào, chỉ biết thằng cu bọ thích bóng đá nhưng thậm ngu, thế thôi. Mà ngu thật, hồi đó trong đầu mình thế giới chỉ có Pele, Việt Nam chỉ có Ba Đẻn. Sau ngày hoà bình thống nhất mới biết bóng đá miền Nam cũng lắm anh tài, đã từng vô địch Seagames, đã từng thắng Nhật 2-0, chứ trước đó thì mù tịt.


Thanh Thảo biết Muller, Campes, Cruyff, Beckenbauer, Platini…Nghe anh kể tên tuổi cuả họ mà sợ toát mồ hôi hột. Anh kể Muller thế này Cruyff thế kia, Beckenbauer thế này Platini thế kia, ông này da đen ông kia da trắng, ông này bỏ bồ ông kia yêu hoa hậu, ông này rượu chè ông kia cờ bạc… nghe sướng rêm.


Có hôm mình sang chơi thấy anh nằm tùm hum ghé tai nghe đài mặt mày căng thẳng biết anh nghe đài tây. Tất nhiên thời này nghe đài tây chẳng ai dám mở to cả, có người còn trùm chăn nghe đài, trời nắng nóng nghe xong lật chăn mồ hôi mồ kê dầm dề như tắm. Mình vừa mở mồm chào, anh đã trợn mắt quát im. Té ra anh đang bám thông tin world cup 1978. Cứ khoảng 6 giờ sáng, 6 giờ tối, 9 giờ đêm là anh ôm đài tây nghe tin bóng đá, ai làm gì thì làm mặc, anh dứt khoát nằm ôm đài tây. Có ai bảo họp hành vào giờ đó thì anh nhăn nhó cáo ốm, phê bình kiểm điểm anh cũng không bỏ mấy thông tin bóng đá quí hiếm từ xứ tây xa xôi truyền về. Mê bóng đá như anh thật dễ sợ.


Hồi đó mình  biết mê bóng đá rồi nhưng chẳng biết tí gì bóng đá thế giới, có nghe nói đến bóng đá Brazin, đến ông Pele như nghe chuyện trời, nói thật cũng chẳng mấy quan tâm, có đến 99%  không quan tâm chứ  chẳng riêng gì mình. Thần tượng bóng đá của mình thời ở làng là anh cu Phổ, ra Hà Nội là anh Ba Đẻn. Ba Đẻn là biệt danh của cầu thủ Nguyễn Thế Anh, con sóc nhỏ của đội Thể Công, còn đối với mình đó là người hùng.


Ba Đẻn thâm thấp đen đen, chân vồng kiềng người thì thậm xấu đá thì thậm hay, đá phạt cũng giỏi, chạy chỗ phá rào cũng tài, lừa thủ môn đứng vặn sườn trơ khấc thì quá tài, nhất là cú đá phạt quệt chân vịt của anh. Khoái nhất là Ba Đẻn ghi bàn bằng những cú chẹt hiểm hóc. Giữa một rừng chân anh quẹo trái rồi quẹo phái, lách lách luồn luồn rồi búng phát,  bóng lọt qua khe hở hẹp vào lưới, hết ý.


Trận nào có đội Thể công mình có chết cũng cố kiếm cho được cái vé vào sân Hàng Đẩy. Vé khan hiếm đắt như sâm. Đa phần vé đã phân phối về các cơ quan, số còn lại mấy ông bà phe vé ôm cả. Mình là sinh viên, muốn có vé nhất định phải bán cái gì đấy, không cân đường thì một hai bánh xà phòng 702, đôi khi bán cả cái mũ cối áo phông cũng chả tiếc. Ba giờ chiều bóng lăn, 12h trưa phải có mặt nếu không sẽ không có chỗ, nhiều khi hết tiền phải nhịn ăn cả bữa trưa cũng ráng chịu để cố xem Ba Đẻn ra sân.


Ba Đẻn ra sân cả vạn người hò hét khản cổ, người hét Đẻn ơi cố lên; người hét sút đi Đẻn ơi, bên trái bên trái, suýt đi; người hét Đẻn ơi coi chừng thằng Hiển, nó bám sau lưng mày đấy; người hét thắng Thắng chơi đểu em đấy, cẩn thận cẩn thận;  người hét đạp một phát vào mắt cá nó đi, Đẻn ơi sao hiền thế hả em… đinh tai nhức óc nhưng mà sướng củ tỉ. Chỉ thế thôi, vô ra vẫn thằng cha Ba Đẻn, chẳng có ai. Đời này trên có Bác Hồ dưới có Ba Đẻn thế là đủ sung sướng rồi, world cup world keo mặc kệ, hầu như ai cũng nghĩ giống mình, chỉ Thanh Thảo là không.


World cup 1978 xảy ra ở Achentina chẳng ai biết mà quan tâm, có người chẳng biết Achentina là nước như thế nào ở đâu, Nam Mỹ hay Bắc Phi nói gì đến bóng đá.  Mỗi mình anh Thanh Thảo hí húi lập bảng tính điểm. Hôm thì anh cười ha ha ha, nói mẹ sư thằng Peru thắng thằng Scotland 3-1 nhé, nhất bảng 2 đấy, đừng có mà đùa. Hôm thì mặt mày như chấu cắn, nói sư bố nó chứ, Đức hoà Tunisia  0-0 thế mới đau.


Trong trại viết văn Vân Hồ thời đó chỉ mình Thanh Thảo sung sướng đau khổ với World cup thôi, hầu hết nghe world cup như nghe chuyện của đế quốc thực dân, không mấy quan tâm. Một chiều tháng 6 trời nắng chang chang, mọi người đang ăn cơm, Thanh Thảo đạp xe về mặt mày hớn hở, nói biết gì chưa biết gì chưa, Achentina vô địch. Hầu hết mọi người chẳng ai nói gì, chỉ một hai người ngước lên nói thế à rồi lại sấp mặt cắm cúi ăn.


Mặc kệ, Thanh Thảo đang sướng cứ khoa chân múa tay kể cứ y như anh đi xem trận chung kết bóng đá thế giới vừa về. Anh thít thít mấy tiếng, nói  trận chung kết thằng Achentina đá với thằng Hà Lan, phút 38 Mario Kempes quất một phát thắng 1-0, tưởng thắng đến nơi ai dè phút 82 Dick Naniga quất một phát thế là hoà 1-1, phải đá hiệp phụ. Phút 105 Mario Kempes quất phát thứ hai nâng tỉ số lên 2-1, phút 115 Daniel Bertoni quất thêm phát nữa, Achentina thắng 3-1 ha ha ha… đã đời.


Mỗi mình Thanh Thảo cười chẳng có ai cười theo, cũng chẳng có ai hưởng ứng bàn ra tán vào, nào có ai biết gì đâu mà nói. Thanh Thảo cười xong thì đứng trơ khấc, mặt mày bẽ bàng như vừa làm gì thất thố lắm. Mọi người kéo anh vào mâm, nói thôi ăn đi ông, Achentina vô địch có ảnh hưởng gì đến hoà bình thế giới, sao mà ông phởn thế.


Niềm vui không được chia sẻ, Thanh Thảo ngồi thừ, buồn hơn chấu cắn. Chu Lai cươì cười vỗ vai trêu anh, nói thôi buồn làm gì, nỗi cô đơn của trí tuệ ông còn lạ gì, ai bảo không chịu giấu giỏi. Thanh Thảo cười cái hậc, nói mẹ, bóng đá không mê, chẳng biết chúng nó mê cái đéo gì nữa.


(Còn nữa)

Thứ Sáu, 18 tháng 6, 2010

Biết thì thưa thốt

Xưa nay ta vẫn hay kêu dân trí ta thấp, chuyện này rõ ràng như ban ngày, có điều ít ai nghĩ dân đẻ ra quan, nếu dân trí thấp thì quan trí làm sao mà cao được. Tất nhiên chẳng ai sinh ra đã giỏi giang, ai cũng bắt đầu từ không biết đến biết. Thấp cao không thành vấn đề nếu biết mình đang ở đâu. Biết sở học của mình còn nhiều thiếu sót để phấn đấu tu dưỡng là chuyện của mỗi người hằng này, từ quan đến dân ai cũng thế. Chuyện đáng nói là nhiều người khi đã ra làm quan, ăn trên ngồi tróc, lại tự cho mình là  Anh biết tuốt, chỉ biết phán xét dạy dỗ mà quên mất lắng nghe học hỏi người khác, tự đó gây ra nhiều tấn bi hài cười ra nước mắt.


Chuyện xưa kể rằng có mấy ông lính ngồi buồn nghêu ngao mấy câu Kiều, thủ trưởng đi qua, nói thơ ai mà hay thế. Mấy ông lính nói thơ của Nguyễn Du. Thủ trưởng gật gù, nói đồng chí nào biết đồng chí Nguyễn Du ở đơn vị nào, trung đoàn đang cần có người phụ trách bích báo. Chuyện nay một ông quan chức tỉnh nọ gặp gỡ anh em văn nghệ trong tỉnh, nói  các đồng chí phải học tập Nguyễn Tuân, ông viết Chị Dậu rất sâu sắc triết lý. Có người đùa, nói chị Dậu bây giờ làm ở Nông trường Sông Hậu đấy thủ trưởng ơi. Lập tức ông này vỗ đùi đánh đét, nói đúng rồi, chính là bà Ba Sương, tôi còn lạ gì.


Xưa, hầu hết các quan đều xuất thân từ văn, tức muốn làm quan phải đỗ đạt văn chương, nay khác, quan chức yếu kém văn chương chẳng ai lấy làm vì, làm nghề này yếu kém nghề khác chẳng ai cười chê cả. Có điều như ông bà ta dạy: biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe, làm quan cũng phải biết dựa cột nghe dân nói thế mới gọi là biết làm quan, chứ cứ gồng lên cao đàm khoát luận mấy thứ mình mù tịt chỉ tổ cho thiên hạ cười chê.


 Một vị quan đầu tỉnh, khi được mời lên nói chuyện với anh em văn nghệ sĩ, đã khoát tay hùng hồn, nói nước Pháp vĩ đại đã sinh ra hai anh em nhà văn Rô Manh và Rô Lăng! Giá ông cúi xuống hỏi Romain Rolland là ai để người ta giải thích cho đó là nhà văn Pháp đoạt giải Nobel Văn học năm 1915,tác giả của Giăng Kristôv, khi đó ông được tiếng là ông quan hay, hơn là nhắm mắt nói bừa, gọi Rô họ Rô tên là hai ông Rô, lòi cái đuôi dốt của mình ra có phải khổ không. 


 Chủ tịch Hội Văn nghệ của một tỉnh  tiếp đoàn văn nghệ sĩ Trung Quốc ghé thăm. Nếu ông thật thà nói rằng ông chẳng biết gì nhiều về văn hoá Trung Hoa, mong được chỉ giáo thì hay biết mấy. Đằng này ông ra sức chứng tỏ cái sở học của mình. Ông nói về Khổng Tử, Mặc Tử, Tuân Tử, Hàn Phi Tử... vân vân Tử. Toàn những Tử ông chỉ mới nghe tên, còn sách họ dày mỏng, hay dở thế nào tất nhiên ông mù tịt. Cao hứng ông khua tay cao giọng, nói tôi ghét Đát Kỉ, Lữ Hậu nhưng yêu Lã Thị Xuân Thu. Lã Thị Xuân Thu là người đàn bà đáng trọng nhất lịch sử Trung Quốc!


Các văn sĩ Trung Quốc ngơ ngác không hiểu ra làm sao. Suốt năm ngàn năm lịch sử Trung Quốc không hề có bà nào nổi danh tên là Lã Thị Xuân Thu. Hóa ra ông nhầm cuốn sách với tên một người đàn bà. Lã Thị Xuân Thu là sách sử luận của ông họ Lã (tương truyền của Lã Bất Vi) viết về thời Xuân Thu, trăm sự do cái chữ thị mà ra.


Cũng vậy đối với một vị đứng đầu một  thành phố nổi danh về văn hoá khi đến chỉ đạo một hội nghị khoa học. Đứng trước bao nhiêu giáo sư tiến sĩ, tiếng tây thuộc như cháo chảy, ông đã lớn tiếng khoe ông đọc báo Tây hằng ngày, ông nói “ Tôi có đọc tờ Niu oóc ti mét, người ta có nói rằng…”.  Mọi người cười ầm, tờ New York times ông lại phát âm ra Niu oóc ti mét. Phát âm không được thì đọc cái gì.


Tuần vừa rồi nhân Quốc hội bàn về việc có nên làm tàu cao tốc hay không, nhiều vị ủng hộ hăng hái lắm. Một vị nói::Xi măng, sắt thép đang dư thừa sẽ được dùng hết. Hàng nghìn lao động sẽ có việc làm”. Chả hiểu khi nói vậy vị này có bíêt vốn ODA là gì, phải dùng nó thế nào không và số tiền 56 tỉ đô la là bao nhiêu. Không lẽ vay vốn ODA để giải quyết số xi măng sắt thép tồn động? Nếu biết xếp tờ một đô la nối đuôi nhau thì 56 tỉ đô  la sẽ có chiều dài 6.400 km*, hơn ba lần chiều dài nước mình, thì chắc chắn vị này sẽ không nói liều như thế.


Một vị khác cũng hăng hái ủng hộ làm tàu cao tốc đã nói: Các nước có chỉ số IQ cao đều xây đường sắt cao tốc. Ra nước ngoài tôi đi thử rồi. Tốc độ nhanh, an toàn, trẻ em đi học, bà mẹ đi làm… ”. Củng chả hiểu vị này có phân biệt tàu cao tốc, ga này cách ga kia hàng trăm km, với tàu điện hay không mà dám nói làm tàu cao tốc để “trẻ em đi học, bà mẹ đi làm”. Còn như bảo “Các nước có chỉ số IQ cao đều xây đường sắt cao tốc” thì e rằng vị này không biết chỉ số IQ dùng để làm gì. Cũng có khi vị này nhầm IQ với ông AQ, một nhân vật của Lỗ Tấn bên nước Tàu chăng?


Than ôi quan trí nước nhà.


………………………….


* Lấy từ tính toán của bác Hiệu Minh

Thứ Năm, 17 tháng 6, 2010

Từ những bài văn “sáng tạo” của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2010: Cười hay mếu?

TRỌNG VĂN – TIÊU HÀ

Đề thi môn văn của kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua được đánh giá là dễ, lại quay về lối mòn kiểm tra kiến thức bằng học thuộc lòng. Thế nhưng, không ít bài làm của thí sinh (TS) vẫn có những “sáng tạo” cười ra nước mắt. Điều này cho thấy thực trạng dạy và học các môn khoa học xã hội trong trường phổ thông còn lắm chuyện phải bàn…


Đề “đóng”...

Đề văn năm nay, ngoài câu nghị luận xã hội là một đề bài khá hay có ý nghĩa thời sự và mang tính giáo dục cao thì những phần còn lại đều “đóng kín”. Cô Triệu Thị Huệ, Tổ trưởng tổ văn, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong tiếc vì hình thức đề thi (câu 1 - phần chung; câu 3a, 3b - phần riêng) chưa thật sự mới nên có thể chưa khơi gợi được hứng thú cho TS.

Cùng quan điểm trên, bà Nguyễn Đắc Diệu Hương, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Hội nghiên cứu giảng dạy văn học TPHCM phân tích thêm: Ở phần riêng, 2 câu hỏi chỉ dừng lại ở yêu cầu phân tích nhân vật trong tác phẩm và đoạn thơ mà chưa mở rộng thêm, chưa tạo được đột phá trong cách ra đề để TS có thể bày tỏ suy nghĩ và sáng tạo. Câu phân tích nhân vật Việt trong truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi có thể “mở” hơn nếu yêu cầu TS suy nghĩ gì về tuổi trẻ, đất nước hôm nay.

Hoặc trong bài thơ Sóng, thay vì phân tích đoạn thơ, có thể “mở” hơn nữa nếu hỏi TS có suy nghĩ gì tình yêu của tuổi trẻ hôm nay. Theo bà Hương, nếu chỉ dừng lại phân tích nhân vật, đoạn thơ khiến TS theo lối mòn là chép lại bài giảng của giáo viên ở lớp.


Nhiều giáo viên chấm bài môn văn cho rằng, với mức độ đề dễ như năm nay dự đoán sẽ rất ít điểm dưới trung bình. Tuy nhiên khi chấm thi, một giáo viên chấm thi môn văn tại TPHCM cho biết: dù đã cố tìm ý đúng để cho điểm nhưng bài làm đạt điểm 1-3 không ít. Cá biệt, có những phòng thi chỉ 24 bài làm thì có đến 20 bài dưới trung bình.

... những bài văn “sáng tạo”


Dù câu “Phân tích nhân vật Việt trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi là đề “đóng” nhưng nhiều TS đã thể hiện khả năng “sáng tạo” kinh hoàng.

Một TS đã tưởng tượng hoàn cảnh gia đình Việt vô cùng bi đát: “Cả gia đình em thương binh Việt bị chết sạch sẽ, cả nội ngoại cha mẹ anh chị em đều bị thằng Pháp đem ra pháp trường bắn hạ, chỉ có Việt bị thương còn sống với chị Liên đi bộ đội ở nhà chú Năm…”. Khi bị thương nằm lại rừng cao su “Việt không sợ chết mà chỉ sợ con ma lè lưỡi dài thòn lòn ngồi trên rừng cao su rên khóc đòi con… Lúc này Việt nhớ đến má, nhớ khi xin má đi bộ đội má không cho bảo chị mày lớn đi trước, mày còn nhỏ đi rủi chết như má làm sao(!)Giờ thì Việt nằm chèo queo sợ ma run run…”.


Nếu không có óc tưởng tượng “phong phú” thì không thể nào TS viết được những dòng thế này: “Việt bị lạc đồng đội 2 ngày 5 đêm, anh lê đi đến đâu ruồi bu đen ngòm đến đó. Chỗ vết thương ra máu rất nhiều, có chỗ ướt sũng, chỗ dẻo nhẹo, chỗ thì khô cứng. Anh lê mũi lê đi trước, hai cù lôi tay nhất cánh tay anh lên, cái chân bị thương cho nó đi sau cùng, anh không biết mình đang bò lên những gì nữa vì anh đang bất tỉnh. Tỉnh dậy là anh tìm súng. Tao thấy thằng giặc là tao bắn nó liền. Súng của tao chưa hết đạn mà. Nhưng thực tế anh bị mù thì làm sao thấy mà bắn được…”.

Khi nói về tính trẻ con gắn với những thành tích của Việt, một TS nhận xét: “Việt rất đỏng đảnh trẻ con ngay cả ở nhà lẫn ở chiến trận. Tham gia quân lính rồi nhưng Việt chưa đủ vị thành niên 17 nên không được phát súng. Việt lấy ná thun bắn chim hằng ngày đi bắn giặc. Mà Việt giỏi lắm, dù chỉ bằng công cụ thô sơ ấy mà bắn cháy được xe bọc thép và cả tiểu đoàn Mĩ chết sạch còn anh chỉ bị thương nhẹ ở chân không đi được nên lếch trong rừng cây cao su mấy ngày đêm mà không ra được”.

Chuyện lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia không khó tìm trong bài làm của các sĩ tử năm nay. Cá biệt có TS lý giải cội nguồn lòng yêu nước, sự dũng cảm của Việt rằng “Việt được má Út Tịch sinh ra ở vùng sông nước sau khi cha và nội bị Pháp chặt đầu nên ghét thằng Pháp hơn ai hết. Việt yêu nước như mẹ, chiến đấu như mẹ, anh hùng như mẹ mình. Chị Chiến thì chẳng khác tí gì mẹ từ miếng ăn miếng ngủ cho tới chăm sóc em”.

Nếu nữ thi sĩ Xuân Quỳnh còn sống, chắc có lẽ sẽ bật ngửa khi đọc những dòng phân tích của TS về hai khổ thơ đầu trong bài Sóng. Một TS viết “Xuân Diệu yêu đến chết ở trong lòng còn Xuân Quỳnh khi yêu phải ra ngoài biển cả mênh mông mà hò hẹn. Hình như ông hoàng thơ tình và bà hoàng thơ tình có cách yêu khác với người bình thường, đó là nét hấp dẫn mà ta thấy trong bài thơ của bà”.

TS khác thì cho rằng “Xuân Quỳnh sống cùng thời với Hồ Xuân Hương, hai nhà thơ hợp sức lại lên án xã hội phong kiến ràng buộc yêu đương tự do, nhất là để giải thoát phụ nữ…”. Đi vào phân tích câu chữ và hình ảnh, các TS tha hồ suy diễn. Hãy đọc lời văn của TS phân tích sóng và em: “Xuân Quỳnh mượn sóng để nói người con trai phiêu bạc giang hồ để cho em ở lại đợi mong đến mòn mỏi, đau buồn tuyệt vọng”.

TS khác “phát hiện” ra một điều hết sức mới mẻ rằng “Nghiên cứu kĩ bài thơ cực hay này em phát hiện ra trên thế gian này chưa có ai khám phá ra một chân lí mới như Xuân Quỳnh: sông lúc nào cũng hẹp hơn bể. Vì vậy tả tình yêu phải tả biển thôi chứ sông làm sao hiểu được tình yêu của những ai đang yêu. Bài thơ hay như thế nên khi đọc xong nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc ngay bài hát Thuyền và biển mà bây giờ ai yêu nhau cũng phải hát”.


Phân tích các cụm từ “dữ dội – dịu êm”, “ồn ào – lặng lẽ”, một TS viết “Đó là những cung bậc của tình yêu trong một người phụ nữ. Ai cũng nói tình yêu phụ nữ khó hiểu lắm. Khi mới yêu thì họ dịu êm, lặng lẽ, khi về làm vợ rồi thì dữ dội và ồn ào. Điều này đúng thực tế lắm”.


Giáo viên chấm thi thường xuyên bắt gặp những lỗi ngớ ngẩn trong bài làm của nhiều TS. Ở câu hỏi về tác giả Sô-lô-khốp thì TS cho rằng “Tác phẩm của Sô-lô-khốp nói về những căn bệnh tâm thần của quốc dân Trung Quốc”.

Nhà văn người Nga này đoạt giải Nô-ben văn học nhưng các TS thì “trao” cho ông nhiều giải thưởng khác nhau: giải Nô-ben toán học, giải thưởng Hồ Chí Minh về văn hóa văn nghệ, giải thưởng Ju-li-e (?!?); cũng có bài làm khẳng định ông quốc tịch Pháp, Mỹ, Ghana, Trung Quốc; gắn bó với dòng sông Nin, sông Xen; còn cho rằng Sô-lô-khốp hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ… Có TS nói “Nguyễn Thi có bút danh Nguyễn Ngọc, tên khai sinh là Nguyễn Trung Thành”…  


(Nguồn: SGGP online)

Thứ Hai, 14 tháng 6, 2010

Chất vấn tại nghị trường: Ưu điểm và lắng đọng

Cựu ĐBQH- Gs.Tskh. Nguyễn Ngọc Trân


Phiên chất vấn tại nghị trường vừa kết thúc với nhiều tranh luận bất hủ, có cả ưu điểm và ưu tư.


Ưu điểm và lắng đọng


Các phiên chất vấn của Quốc hội tại kỳ họp lần thứ 7 đã xong.


Cùng với các cuộc thảo luận về báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giáo dục đại học, và về dự án đường sắt cao tốc, nôi dung chất vấn đối với bốn Bộ trưởng Giao thông Vận tải, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề cập những vấn đề mà cử tri đang rất quan tâm. Quan tâm vì tính bức xúc của chúng mà cũng vì sự quản lý nhà nước đối với những vấn đề đó bộc lộ những yếu kém đáng lo.


Số thành viên Chính phủ trả lời chất vấn ít hơn, cho phép dành nhiều thời gian cho mỗi vị. Đó là những ưu điểm được cử tri ghi nhận.


Ngoài những mặt được, chưa được mà Chủ tịch Quốc hội đã kết luận sau mỗi phiên chất vấn và trả lời chất vấn, và đã phát biểu kết thúc sau phiên cuối cùng, có rất nhiều vấn đề đọng lại sau các phiên chất vấn. Xin được nêu lên mấy nội dung.



[caption id="attachment_6043" align="aligncenter" width="480" caption="Bộ trưởng Hoàng Anh Tuấn: "Tôi có 3 cậu con trai, mấy bố con cũng thích chơi game, nhưng không chơi game bạo lực, chỉ chơi game vui vẻ thôi". Ảnh: Lê Anh Dũng"][/caption]Sự phối hợp liên ngành phơi bày nhiều lỗ hổng

Mặc dù đã có nhiều cố gắng, sự phối hợp liên ngành còn quá nhiều lổ hổng và yếu kém. Đó là chưa nói đến sự phối hợp giữa trung ương và địa phương. Đây không phải là một vấn đề mới, vì đã được nói đến nhiều lần ngay tại diễn đàn Quốc hội từ các khóa trước. Bước tiếntốc độ cải tiến trong sự phối hợp, tôi tự hỏi không biết có thể đo được với đơn vị gì. Chỉ biết rằng, lỗ hổng và yếu kém có hậu quả là lãng phí, thất thoát, tham nhũng tài sản, ngân sách nhà nước và tại sao không thiệt hại đến văn hóa đạo đức, đến chủ quyền quốc gia?


Chỉ tại kỳ họp này, sự yếu kém thể hiện rất rõ qua việc cho thuê đất rừng. Cử tri khó có thể chấp nhận các lập luận theo kiểu "Bộ Nông nghiệp chỉ quản lý rừng, còn đất thì do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý". Hay là cung cách quản lý: "Địa phương họ làm đúng luật. Khổ thế. Họ có quyền làm theo phân cấp. Bây giờ rà lại thì đúng là có chuyện"!


Việc chơi games online cũng vậy. Tác hại của trò chơi trực tuyến bị lợi dụng quá rõ nhưng chờ tới khi được chất vấn thì Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới tính với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông việc "sẽ mau chóng ngồi lại với nhau để tính cách giải quyết". Các vị này còn quên Bộ Giáo dục và Đào tạo mà người đứng đầu đang kiêm nhiệm Phó Thủ tướng phụ trách mảng văn xã!


Có quá nhiều phát biểu bất ngờ đến mức bất hủ


Cử tri đã được mắt thấy tai nghe những phát biểu bất ngờ đến mức có thể gọi là bất hủ. Không ít trong một kỳ họp.


Việc không có cầu để qua sông đến mức người dân, lớn và bé, phải đu dây qua sông ngót 8 tháng sau cơn bão số 9 đã được vị tư lệnh ngành giao thông vận tải cho là một "sáng tạo bất ngờ"!


Công việc của Bộ trong vấn đề lễ hội "một mình chúng tôi làm không xuể, khó khăn quá", cho nên theo Bộ trưởng "vĩ mô thì Bộ chúng tôi cố gắng, chứ vi mô thì nhờ ĐBQH"!



[caption id="attachment_6044" align="aligncenter" width="480" caption="Về việc đồng bào đu dây qua sông Poko, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: "một sáng tạo không ngờ tới". Ảnh: Lê Anh Dũng."][/caption]

Trong khi các vị đại biểu Quốc hội, cử tri và nhiều chuyên gia am tường cho là luận chứng cho một dự án dự kiến sẽ chi nhiều chục tỉ USD là chưa đủ sức thuyết phục, thì một vị Bộ trưởng kêu gọi "Bài toán kinh tế, môi trường, công nghệ... chúng tôi đã tính hết. Quốc hội cứ quyết chủ trương đi". Hoặc, liên quan đến dự án này, vị tư lệnh khác lại cho rằng "(...) hình như ban dự án này trách nhiệm quá nên làm quá kỹ" báo cáo với Quốc hội. Bất ngờ ở phát biểu trên chính là vị này đã quên rằng Quốc hội, theo Hiến pháp, là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ở nước ta.


Khi phát biểu rất dễ lỡ lời. Chính vì thế mới có câu "Phải uốn lưỡi bảy lần trước khi nói". Mong rằng các vị vừa được nhắc đến, và những vị khác nữa hãy nhớ lấy lời dặn trên mà ai cũng biết, và rằng một thái độ từ tốn đôi khi cũng giúp giảm nhẹ cho một lời nói lỡ.


Đại ngôn không thay cho chất lượng dự báo


Rất nhiều cử tri, trong đó có tôi, còn khá bất ngờ trước những khẳng định, chắc như đinh đóng cột, về những điều sẽ xảy đến... mười năm, hai mươi năm, bốn mươi năm sau! Xin được dẫn: "Thu nhập bình quân đầu người hiện nay 1.200 USD, nhưng với tốc độ tăng trưởng kinh tế tương lai thì đến 2020 sẽ là 3.000 USD, và lần lượt tăng 6.000, lên 12.000 và sẽ đạt 20.000 năm 2050".


Ai cũng biết trong một năm, hiện nay, tổng số tri thức và công nghệ được tạo ra cao gấp rất nhiều lần cách đây 50 năm và sẽ ngày càng nhanh hơn nữa. Mặt khác, ai có thể dự báo cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997, và gần đây hơn cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu? và các cuộc khủng hoảng đó đã kéo các nền kinh tế và tự do hóa thương mại lùi bao nhiêu năm, chuyển hướng như thế nào?


Thú thật, những đại ngôn như "quyết tâm mang tầm chiến lược", "lộ trình chiến lược" không đủ sức thuyết phục, nhất là khi cử tri liên hệ với chất lượng của công tác dự báo hiện nay và cách điều hành mà "bây giờ rà lại thì đúng là có chuyện".


 (Nguồn: VNN)

Thứ Bảy, 12 tháng 6, 2010

Make love và take off

Nghiệm ra trong suốt đời mình, hễ việc gì mà mình cố đều thành cả, trừ việc học ngoại ngữ. Không biết cái đầu mình cấu tạo bằng chất gì mà không sao nuốt nổi món ngoại ngữ. Việc học ngoại ngữ của mình na ná việc cai thuốc lá vậy, học đi học lại bao nhiêu lần tóm lại how are you vẫn hoàn how are you


Thấy Phạm Xuân Nguyên, Phạm Thị Hoài đọc nói tiếng Tây veo véo vừa thèm vừa ghen tỵ, mỗi đưa ba bốn ngoại ngữ, kinh. Mình thì ngoài tiếng Việt ra có thêm tiếng Nga, tiếng Anh Tiếng, tiếng nào cũng như mèo mửa. Tiếng Nga có từ thời học Bách Khoa, đến nay quên sạch không còn một từ, kể cả cái từ “vừa đi vừa đái vừa che” gốc của nó thế nào cũng không sao nhớ nổi. Ngu thế không biết.


Tiếng Anh được Nguyễn Thanh Sơn, Nguyệt Cầm và hai ông tây tên là Dean và Piter dạy cho hai ba năm trời, khi học thì ngon lành lắm, ra đường vấp phải ngọn cỏ là quên sạch. Xấu hổ chết được.


Nói thế thôi, nhìn lên không bằng ai nhưng nhìn xuống còn hơn được ối người. Ít nhất cũng hơn được Trung Trung Đỉnh, Bảo Ninh. Bảo Ninh thì chỉ kiên quyết bíêt có 3 từ là yes, no và wine, thế là quá đủ. Khổ nỗi khi người ta hỏi thăm vợ ông có khoẻ không thì ông tưởng hỏi ông có thích uống rượu không, lập tức giả đò khiêm tốn nói no no.


À  quên, Bảo Ninh còn biết từ Woman nữa. Một hôm mấy ông tây đến nhà, có Phan Vàng Anh nữa, ông giới thiệu Phan Vàng Anh cho mấy ông tây, nói this is Phan Vàng Anh, woman nhà văn .


Trung Trung Đỉnh thật tài. Đi Nga học Goorki 6 tháng, trong tay có cuốn hội thoại Việt Nga. Muốn nói câu gì thì chỉ vào câu Việt rồi đưa cho người Nga, người Nga lại chỉ vào câu Nga đưa lại cho ông để ông nhìn sang câu Việt. Thế mà thông suốt cả. Còn tán được em Nga chân dài miên man, đã đời.


Khi chia tay em Nga khóc như mưa chỉ vào câu Nga: em  nhớ anh lắm . Ông Đỉnh tìm câu việt: Rồi một ngày anh sẽ sang đây với em. Nhưng câu này không có, ông khua khoắng chân tay thế nào mà cô Nga cũng hiểu, lại khóc như mưa, nói em không cho anh về đâu, câu này cũng không có trong cuốn hội thoại. Mặt ông Đỉnh đực như ngỗng ỉa. Thấy cái mặt ông, cô Nga tưởng là cái mặt chân thành, càng khóc như mưa .


Cái số Trung Trung Đỉnh may thế. Ông đi Mỹ, Nguyễn Thanh Sơn soạn cho cả một cuốn sổ nhỏ hội thoại Việt Mỹ. Tại sân bay chị Lâm Mỹ Dạ lạc mất đâu tìm không ra. Ông Đỉnh cuống lên, đến gặp một thằng Mỹ, muốn xin nó vào tổng đài sân bay a lô hỏi chị Dạ đang ở đâu. Nhưng cuốn hội thoại của Nguyễn Thanh Sơn không có trường hợp này., ông nói bừa: For me a lô... For me a lô... thế mà thằng Mỹ cũng hiểu.


Trung Trung Đỉnh Đỉnh còn nói được For me a lô chứ ông A thì một nửa tiếng Anh, tiếng Nga bẻ đôi cũng không biết, thế mà ông là dịch giả đấy. Thỉnh thoảng đọc chùm thơ tây, đề tên ông dịch từ nguyên bản tiếng Nga, tiếng Anh mà trợn mắt há mồm. Hoá ra ông nhờ con ông dịch thô ra, rồi ông làm lại thơ, thế là thành dịch giả.


Ông còn doạ in hai tập thơ dịch của ông, một tập dịch từ nguyên bản tiếng Nga, một tập dịch từ nguyên bản tiếng Anh, thất kinh, đúng là điếc không sợ súng. Nhưng mình không dám nói, bao nhiêu bạn bè  của ông biết ông vẫn làm  mấy trò dịch ma cũng chẳng ai dám nói cả. Bạn bè bóc mẻ nhau thấy kì kì thế nào, thôi thì nhịn quách đi cho còn bạn còn bè.


Năm 1986 hay 1982 mình không nhớ nữa, mình với ông A xem bóng đá world cup, trong khi chờ đá bóng, đem phim sex ra xem chống buồn ngủ. Có phim Tấm gương của Nhật hay cực, phụ đề tiếng Anh. May cái câu chuyện đơn giản, thoại ít, phụ đề tiếng Anh toàn câu đơn giản nên mình vừa đoán vừa dịch cho ông A cũng trót lọt.


Ông A hỏi make love, take off là gì mà thấy chúng nó nói hoài vậy mày? Mình nói take off là cởi quần ra, còn make love là làm cái việc sau khi đã take off. Ông A khoái lắm, cười khà khà nói tao chỉ cần hai từ này thôi, sang tây tao giết hết gái tây. Năm 2003 ông đi Mỹ, các nhà văn Mỹ tưởng dịch giả thì nói tiếng Tây ngon lành, cứ nói chuyện lia xia, ông chỉ nhăn răng cười trừ, nói tôi chỉ biết đọc viết không biết nói.


Một bà nhà văn Mỹ mời anh đến nhà chơi. Đến cửa bà này nói với ông hãy cởi giày ra bỏ lên giá giày. Ông A nghe take off thì ngạc nhiên lắm, ông rỉ tai với một nhà văn đi cùng, nói đàn bà Mỹ ghê thật, mình vừa đến cửa nó đã bắt mình cởi quần. He he.


Thứ Năm, 10 tháng 6, 2010

Xóm nhỏ của tôi

Tản văn


Quê mình ở Thị trấn Ba Đồn, xóm nhỏ của mình ở khúc giữa Thị trấn, men sông Gianh. Cái xóm khá hiền hoà, có chục nóc nhà, chưa thấy khi nào cãi nhau, vẫn thường qua lại mượn nhau gạo tiền, xin nhau mắm muối.


Nhà mình ở cạnh 3 nhà. Phía trước là nhà ông Đái Lùn chuyên nghề ăn xin ở chợ. Ông lùn tịt, cực xấu, mũi to bằng quả cà, da mặt sần sùi trông gớm chết. Ở cạnh nhà ông đúng 7 năm, chỉ nghe ông Đái Lùn nói đúng một tỉếng: Bình! Ấy là khi ông gọi con Bình. Mỗi ngày ông gọi con Bình ba lần, sáng sớm đi học và hai bữa cơm. Nghe quen đến nỗi mỗi lần nghe tiếng “ Bình!” là mình thấy đói bụng liền.


Vợ ông tên gì quên rồi, chỉ nhớ rất đẹp, tức đẹp hơn ông rất nhiều. Mạ mình, bác Thông gái cũng không đẹp bằng bà. Không hiểu sao bà lại lấy ông Đái  Lùn, đã xấu lại ăn mày quanh năm ở đình chợ. Con Bình thì cực đẹp, nghe nói vừa mới lọt lòng nó đã có hai bím tóc xinh xinh, giống Hỉ Nhi trong phim gì đó của Trung Quốc, cả thị trấn chạy đến xem.


 Vợ ông Đái Lùn hát rất hay, khi nào rửng mỡ hai vợ chồng tu chừng nửa lít rượu, bà cất tiếng hát líu lo Rượu ta nấu nó cho rượu lậu/ muối ta làm nó bảo muối gian… Ông Đái Lùn lấy đũa gõ soong queng queng queng, thỉnh thoảng lại hét rống lên, nói oa chà, cha tổ đế quốc thực dân. Mọi người cười, nói Đái Lùn chửi chi chửi lắm rứa hè. Ông cười khơ khơ khơ, nói oa chà, ăn mày ăn xin không chửi Đế quốc thực dân thì chửi ai.


Phía sau bên trái nhà ông Đái Lùn là nhà ông cu Hoi. Ông có tật run, tay run, miệng run, chẳng nói gì làm gì mà mồm miệng tay chân cứ run bần bật. Mình bốn tuổi, ngồi há mồm há miệng nhìn cái tay ông gắp thức ăn chao qua chao lại, cứ sợ thức ăn văng đi mất.Vì tật run ông cu Hoi chẳng làm gì, chỉ nuôi bò, cứ mỗi lần 4 con, bán lứa này nuôi lứa khác, chỉ thế thôi nhưng nhà ông sống ung dung.


Ông Cu Hoi có tài đặt vè, lại rảnh rỗi nên ngày nào ông cũng có vè, bất kì ai quen biết ông đều có vè,  mình nhớ như in bài vè ông làm cho mình: Vè vẻ vè ve/ nghe vè thằng Lập/ mạ thì đòi đập/ ba thì đòi la (mắng)/ ăn rồi không chịu đòi ga ( đuổi gà)/ đi nhà ngườì ta mà nhởi ( chơi)/ cơm thì đang xới/ về hỏi cơm đã chín chưa/ mi mới ăn cơm trưa/ răng đã kêu đói bụng. Ông có bài tổng kết những đàn ông trong xóm hồi đó, ai cũng nhớ: Cu Tư giỏi vẽ, Cu Lễ giỏi ăn, Cu Tăng giỏi cãi, Cu Lại giỏi bơi, Cu Cời giỏi đ.


Chuyện gì xảy ra trong Thị trấn hay dở tốt xấu ông đều có vè hết, đến nay người nhớ bài này, ngươì nhớ bài kia, nếu có ai kì công sưu tầm cho đủ, bảo đảm không dưới chục vạn bài, không thèm nói ngoa.


Bên trái là nhà ông Dương Mạnh Tuyển. Ông làm thợ may, may giỏi, khi nào cũng đông khách. Con cái ông Tuyển đều đẹp trai xinh gái học giỏi, đặc biệt hai anh con trai Dương Toàn Thắng và Dương Mạnh Đạt nổi tiếng khắp huyện.


 Anh Dương Mạnh Đạt thì hết chê. Anh hát hay, đàn giỏi, lại biết sáng tác nhạc nổi tiếng khắp huyện. Hồi anh học lớp 10 đã làm bài hát Như những cánh chim bay, thành bài trường ca, bốn chục năm rồi học sinh Trường cấp III Bắc Quảng Trạch vẫn hát. Ai hỏi mình ở đâu mình đều nói ở gần nhà anh Mạnh Đạt là người ta biết liền.


Xưa Ái Vân nổi tiếng đẹp nhất nước, hát hay, đóng phim Chị Nhung đẹp như tiên sa, coi như một siêu sao. Tụi mình chỉ dám đứng ngước lên ngưỡng mộ, không khi nào dám nghĩ sẽ được gặp Ái Vân một lần. Thế mà (năm 1978) anh Mạnh Đạt đem Ái Vân về nhà mấy ngày, lượn đi lượn lại khắp Thị Trấn. Một vạn dân Thị Trấn suốt ngày nức nở. Mình ỷ thế gần nhà anh, được nhìn Ái Vân rất gần, có lần Ái Vân còn nhờ múc nước giếng cho chị rửa chân, sướng rêm ngườì.


Còn một nhà nữa là nhà anh Quách Mạnh Lân ở cuối xóm. Anh thoát li đi văn công từ 17 tuổi nên mình không gặp anh lần nào, chỉ thấy anh trên sân khấu thôi. Anh nổi tiếng như cồn khắp tỉnh. Anh sáng tác rất nhiều bài hát tỉnh ca. Mình nhớ bài hát gì đó có câu Năm trăm chiếc máy bay rơi trên đất Quảng Bình bà con ta ơi. Anh Lân là niềm tự hào của Thị trấn Ba Đồn, ông Phổ chủ tịch Thị trấn gọi anh là đứa con ưu tú của quê hương.


Thầy Phan Xuân Hải cũng là đứa con ưu tú của quê hương, nhà thầy sát sau nhà mình. Thầy cao to như vận động viên bóng chuyền, đẹp trai cực, dạy văn rất giỏi, vẽ truyền thần nổi tiếng khắp tỉnh. Thầy chuyên vẽ Bác Hồ, hầu hết các tranh Bác Hồ trong huyện trong tỉnh đều do thầy vẽ. Đời thầy là cả một thiên tiểu thuyết, chuyện này nói sau.


Con nít trong xóm quanh đi quẩn lại chỉ mấy đứa, con Bình con ông Đái Lùn, con Tiểu Hoa con thím Mơ, thằng Dương Toàn Thắng con ông Dương Mạnh Tuyển và thằng Dưong Viết Hoà con ông cu Mại. Nhà thằng Hoà ở sát nhà ông Dương Mạnh Tuyển, thằng này hay lắm, làm thơ lia xia, chỉ thấy đăng báo  tường chứ chả có báo nào đăng cả, thế mà nó khoe loạn cả lên. Có hôm nó nói tối qua Xuân Diệu bình thơ tau trên đài, ông nói: Vể tình yêu đất nước, nhà thơ Dương Viết Hoà đã viết… Tụi mình châu lại nhao nhao, nói cứt cứt đom đom, nhà thơ Xuân Diệu mà thèm biết mi.


Nhưng nó rất có khiếu âm nhạc, học Trường âm nhạc Huế rất được bạn bè nể trọng. Thầy giáo dạy nhạc của nó là một người Nga, tên gì quên mất rồi, nói tôi dạy nhạc hai chục năm chưa thấy sinh viên nào tài hoa như Dương Viết Hoà. Chẳng hiểu sao năm cuối nó đi vệ sinh viết khẩu hiệu đả đảo linh tinh trong hố xí bị tóng tù mấy năm, nó cũng tàn đời từ đó.


Hi hi cái xóm nhỏ xíu vậy mà toàn dân văn nghệ. Vui nhất là ba ngày tết, năm nào xóm cũng liên hoan văn nghệ Mừng xuân mừng Đảng. Trang trí sân khấu là thầy Hải, thầy vẽ đôi bồ câu hoà bình cắp khẩu hiệu Mừng Xuân mừng Đảng bay giữa trời xanh. Tụi mình đứng nhìn thầy cắt cắt dán dán, mồm miệng xuýt xoa, nói đẹp hè đẹp hè.


Anh Dương Mạnh Đạt cầm đũa chỉ huy dàn hợp ca mấy chục người hát bài Ba Đồn niềm tin và hy vọng. Anh Quách Mộng Lân kéo đàn accordion cho tốp nữ hát bài Quảng bình quê ta ơi. Bạn của anh Lân là anh Nguyên Nhung ở làng Quảng Hoà về chơi cũng lên hát bài Đàn môi, anh chỉ hát một lần mà mấy chục năm rồi mình vẫn nhớ như in: Em ơi đàn môi đây đàn môi này… gửi gắm ngàn niềm tin, dù xa xôi lòng em vẫn đợi chờ.


Hay nhất là màn văn nghệ xóm. Vợ ông Đái Lùn lấy nhựa hạt mồng tơi bôi má thay son, đu đưa đu đưa, tay múa miệng hát Rượu ta nấu nó cho rượu lậu/ muối ta làm nó bảo muối gian…Ông Đái Lùn ngồi cánh gà gõ nhịp queng queng queng, thỉnh thoảng lại hét rống lên, nói oa chà, cha tổ đế quốc thực dân.


Màn độc diễn của ông cu Hoi thì tuyệt chiêu. Ông chống gậy bước lên sân khấu, tay chân mồm miệng run lẩy bẩy trông đã buồn cười, bà con vỗ tay nói rồi rồi, cu Hoi lên rồi. Ông vung cái gậy, trợn mắt nói lớn huơ này bà con, bữa hôm ni cu Hoi xin kể chuyện... Mọi người vỗ tay rào rào, sướng ngây ngất.


Tụi mình nhìn nhau xuýt xoa, nói hay hè hay hè. Mấy chục năm rồi bây giờ nhớ lại vẫn còn xao xuyến. Chẳng ngờ sau này mình trở thành nhà văn, Tiểu Hoa là diễn viên gạo cội của Đoàn kịch nói Bình trị thiên, sau này là Đoàn ca kịch Huế. Nó tham gia phim Đời cátTrái tim bé bỏng, vai nào nó đóng cũng đạt. Thu Bình là nghệ sĩ đàn tam thập lục Đoàn Tuồng Huế. Dương Toàn thắng là nhà thơ và nhà phê bình, chỉ tiếc nó mất sớm quá, chưa đầy 40 tuổi. Chỉ có thằng Dương Viết Hoà bỏ nhạc bỏ thơ, suốt ngày cặm cụi phê bình triết học, hết khen Platon đến chê  Socrates, rầu đời.


Bây giờ cái xóm nhỏ không còn nữa, ngôi nhà duy nhất còn mãi đến giờ là nhà thầy Phan Xuân Hải nhưng thầy cũng đã mất, nhà thầy cửa đóng then cài. Người ta xây lên ở đấy Đài truyền thanh huyện, loa truyền thanh bền bỉ nói suốt ngày đêm. Buồn.

Chủ Nhật, 6 tháng 6, 2010

Ôi Huế của ta

[caption id="attachment_5981" align="alignleft" width="250" caption="Hàng cây đại duyên dáng dọc Hộ Thành hào trước kỳ đài khi chưa bị bứng - Ảnh: Văn Thanh"][/caption]Mấy hôm nay đi đâu cũng nghe dân Huế bàn ra tán vào việc Ban tổ chức Festival Huế đã bứng đi 20 cây đại cổ thụ hàng trăm năm tuổi  dọc Hộ Thành Hào, ngay trước kỳ đài Huế, thuộc khu Đại Nội để tiện cho việc dựng sân khấu của chương trình Hành trình mở cõi  sẽ diễn  ra tối 10/6. Rõ là vui chơi một đêm phá hỏng trăm năm.

Ông Phùng Phu, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết các cây đại sau khi bứng đi sẽ được bảo quản, chăm sóc và trồng lại ngay sau khi chương trình kết thúc. OK. Có thể hàng cây đại sẽ không chết nhưng điều quan trọng là hàng cây trăm năm này không phải là thứ cây thường, nó đã trở thành vật linh của xứ Huế

Hàng cây đại trước kì đài Huế mấy trăm năm này đã mọc rễ trong tâm thức người dân Huế mấy trăm năm rồi, không ai có quyền sàm sỡ với hàng cây chứ đứng nói bê đi bứng lại. Ông Phùng Phu tiết lộ:“Trong các kỳ festival trước chúng tôi cũng đã bứng cây rồi sau đó trả lại nguyên trạng, có ảnh hưởng gì đâu”  ( Theo báo Thanh niên). Té ra người ta đã bứng đi trồng lại hàng cây đại này nhiều lần rồi. Ngao ngán.

Cách đây mấy tháng người ta đã cho phép dời xếp vào góc tường toàn bộ Long vị, bàn thờ của vua Minh Mạng, Hoàng hậu cùng dòng tộc tại chánh điện lăng Minh Mạng để đoàn làm phim Trần Thủ Độ quay phim, dư luận đã rất phẫn nộ. Ông Phùng Phu ( Lại vẫn ông Phùng Phu!) đã nói: “Phim này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt thực hiện cảnh quay. Việc đoàn làm phim thực hiện tại lăng Minh Mạng và có di dời hiện vật như vậy nhưng họ sẽ trả lại nguyên trạng như ban đầu. Nếu quay ở lăng khác cũng làm như vậy thôi. Không lẽ cấm không cho họ làm?” Còn ông Ngô Hòa, Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng đã nói tỉnh bơ đoàn phim sẽ trả lại nguyên trạng như ban đầu.


Vấn đề không phải là dọn đi rồi sắp lại là xong. Chốn linh thiêng của Cố Đô không phải là góc bếp nhà mình muốn làm gì thì làm, hơn ai hết những nhà quản lý văn hoá Huế phải biết rõ điều đó. Bộ cho phép làm phim  Trần Thủ Độ chứ chẳng có Bộ nào lại cho phép đoàn làm phim động đến chốn linh thiêng xứ Huế. Còn nếu bảo nơi thờ vua không phải chốn linh thiêng thì hết nói, bó tay chấm com.


Vừa rồi chúng tôi ra Huế có nghe một số hoạ sĩ Huế cho biết người ta đang có dự án 700 triệu vẽ hai con rồng trên mặt Cầu Mới, vắt từ bờ Nam sang bờ Bắc Sông Hương để chào mừng Nghìn năm Thăng Long- Hà Nội. Thật nực cười. Vẽ hai con rồng trên mặt cầu thì đứng đâu để mà xem, không lẽ cho dân Huế lên máy bay trực thằng nhìn xuống.


Điều đó cũng không quan trọng, cái chính rồng là linh vật nghìn năm Thăng Long một khi nằm trên mặt cầu thì sự xúc phạm vật thiêng này sẽ diễn ra hàng ngày. Không lẽ để người ngựa xe cộ ngày đêm dẫm đạp, chà đi xát lại linh vật nghìn năm sao, thật vô lý hết sức. May thay dự án này đã bị dẹp bỏ.


Ôi Huế của ta, ta có Huế tự hào. Các nhà quản lý văn hoá Huế phải làm sao để mỗi khi dân Huế hát câu này không bị ngượng mồm, một lời tình thật xin thưa.