Tan Dinh
Ngôi nhà Ma. Chắc lại ăn theo “Ngôi nhà Điên” của Bà Đặng Việt Nga ở Đà Lạt?
Còn lâu mới ăn theo nhá! Điên là điên mà Ma là Ma, không thể lẫn lộn khái niệm được, đây là nhà Ma hẳn hoi, nhà Ma xịn, không điên, hehe!
Ngôi nhà ma mà tôi đang nói đến chính là ngôi nhà chung của tất cả chúng tôi – dân yêu văn chương gốc Việt gốc Choa trên toàn Quả Đất, còn ở hành tinh khác thì chúng tôi chưa thống kê được. Đó là một ngôi nhà có chủ, một người gốc quê choa xịn, rất hiếu khách, rất đào hoa, và cũng rất nhát gái, keke!
Chủ ngôi nhà đó có tên là Bọ Lập. Bọ đặt tên ngôi nhà của mình là Quê Choa. Trong ngôi nhà đó, bằng nghệ thuật sắp đặt, Bọ cho bày một Chiếu Rượu với đầy đủ mồi nhậu để khách đến chơi vừa có thể uống rượu vừa đàm đạo về…mồi một cách thoải mái!
Đồn rằng ngôi nhà này có ma. Tin đồn loang ra, khách đến ngày càng đông. Lúc đầu nhiều người do tò mò thử ghé qua xem con ma nó thế nào, hôm sau ngồi nhà thấy bồn chồn không đến Quê Choa không chịu được, thế là lại đến. Có khi chỉ đến đứng ngoài cửa, ghé mắt nhòm vào một cái rồi về, vậy mà không đến không chịu nổi, thế thì bị ma ám rồi còn gì! Hay là trong rượu có ngâm rễ thuốc phiện, loại rượu 138 ma mị của gã “tửu tặc” Văn Công Công? Hay Bọ nêm ma túy vào mồi? Chịu, không ai giải thích được. Chỉ biết là ngôi nhà có một sức hút ma quái, không thể không ghé qua, có khi ngày ghé chục lần, có ngày còn nhiều hơn.
Có điều lạ là ai đã từng ghé qua Quê Choa đều có cảm giác là đang trở về nhà mình, cứ tưởng đó là nhà mình. Và thế là cười nói râm ran, tự nhiên như ruồi vô chủ, chê mồi này nhạt khen mồi kia mặn, khi chê ít lúc kêu nhiều, làm cho lắm lúc khách tưởng mình là chủ mà chủ cứ ngỡ mình là kẻ đầu bếp nấu ăn! Vì vậy mà lúc nào cũng vui như Tết, ra về ai cũng hớn hở hài lòng, chậc chậc tấm tắc xuýt xoa, thật xứng danh là ‘Chiếu Rượu vui vẻ’!
Vậy mà chiều qua lúc tôi vừa đến, ngước nhìn phía cửa thấy con số 113 hiện lên nhấp nháy, giật bắn cả mình. Thần hồn nát thần tính, cứ tưởng có cảnh sát đặc nhiệm đến làm việc. Té ra không phải, 113 là con số thống kê số lượng khách đang ngồi trên Chiếu Rượu. Khách đông kinh hoàng. Nhưng sao nghe lặng ngắt, không một lời trao đổi bàn tán, không một tiếng cười hay trêu chọc tếu táo như mọi khi. Ngó vào Chiếu thấy khách khứa vẫn miệt mài nhắm mồi cụng ly, vẫn khoa chân múa tay nhưng tuyệt nhiên không có một tiếng động phát ra, cứ như là mình đang xem phim câm vậy.
Thấy lạ, tôi vẫy Mục Đồng ra ngoài. Lạ thật, đứng ngoài sân thì nói nghe oang oang, nói thoải mái nghe soải mái, vậy sao trong kia lạ vậy? Tôi thắc mắc “Bọ cấm bà con nói chuyện phải không?”. Mục Đồng giải thích “Đâu có, bác xem bà con vẫn nói chuyện thoải mái đấy chứ. Bọ chỉ cho lắp thiết bị khử âm thôi”. À, ra thế!
Bỗng có mấy “Mụ” đi ra, mắt đẫm nước đầy vẻ bi tráng. Tôi lại gần Bạch Dương, hỏi “Sao thế, ai bắt nạt bọn em?”. Bạch Dương vẻ bức xúc “Đâu có, nỏ ai dám. Bọn em tức là cố nói to mà chẳng ai nghe bọn em nói gì”. Nói xong ôm chầm lấy tôi khóc òa lên tu tu. Eo ơi, ngượng chết đi được!
Đợi các mụ đi xa, tôi nói Mục Đồng đủ nghe: “Tôi không đứng về phe nước mắt! Về mặt lý thuyết thì Bọ có thể làm như vậy, nhưng than ôi, bà con sẽ nghĩ gì, sẽ bức xúc, sẽ ức chế, sẽ vưn vưn. Như mấy mụ vừa rồi đấy, bức xúc như thế về nhà chỉ khổ chồng khổ con thôi!”.
Mục Đồng có vẻ đồng tình, hắn nói: “Thực ra thì cách làm này không có gì mới, bác ạ. Nhưng theo em, cũng phải suy nghĩ tìm ra giải pháp gì đó thích hợp hơn với văn hóa quê choa. Và cũng cần quyết định càng sớm càng tốt!”.
Tôi định ăn theo mụ Thanh Chung, viết một lá thư tung lên mạng như một thứ thư ngỏ người ta vẫn thường làm, có thể giật tít thật kêu như “Thư gửi những linh hồn đau khổ” chẳng hạn. Mục Đồng mới nghe tôi trình bày qua, đã gạt đi “Thôi bác ạ, nói mãi rồi họ có nghe cho đâu, bây giờ thì không còn gì để nói nữa. Bác bảo, cứ bức xúc lên là họ nói cho sướng mồm, nói vung chí mẹt, khua trúng cả vào vùng nhạy cảm, chả để ý gì đến sự an bình của gia chủ. Nói thì bảo sao nói nhiều, không nói thì có người lại phê phán là nhiễm văn hóa Makeno, khổ thế!”.
Tôi kéo Mục Đồng lại gần rồi cả hai cùng quay nhìn về phía Quê Choa: khách khứa vẫn ra vào tấp nập đông đúc, mồi nhậu trên các mâm vẫn đầy đặn thơm ngon, cuốc lủi trong be trong hụ vẫn đầy bặp tràn cả ra chiếu, chỉ có cái khác lạ là tất cả đều lặng câm, không một tiếng động vọng ra ngoài. Chẳng khác gì những bóng ma đang ăn cỗ.
Một ngôi nhà Ma chính hiệu, một cõi đi về của những kẻ ghiền văn chương!
Chú thích: Tất cả những cụm từ viết chữ nét màu xanh dương trong bài là đầu đề của các entry gần đây trên Quê Choa.
(Nguồn: Blog TanDinh)
THỜI ĐẠI ĐI NHẸ NÓI KHẼ
Mr. Do
Sự kiện Cô Gái Đồ Long bị bắt được đưa tin một cách dè dặt trên báo chí chính thống, trong khi các trang báo ngoại quốc và trang mạng không thuộc dòng chính thì bình khá nhiều chuyện “hậu trường”. Căn đều Hai bên Chẳng biết thực hư, đúng sai trong vụ Cô Gái Đồ Long ra làm sao. Mà vụ này theo tôi cũng chẳng dính dáng mấy gì tới dân chủ, nhân quyền hay là những cái tương tự thế, có điều sự vụ diễn ra vào một giai đoạn có quá nhiều sóng gió với giới blogger nên vô hình trung đã tạo ra một không khí tê lạnh trên thế giới mạng.
Cách phản ứng của các blogger có tiếng cho thấy điều đó.
Blogger Beo, một nhân vật vô cùng phức tạp, đã xóa bài viết của mình về vụ Cô Gái Đồ Long. Nghe nói blogger này (tôi chỉ nghe nói thôi) mới đây có nhắn với blogger Quê Choa là hãy cẩn trọng với các lời bình.
Blogger Đông A mới có bài viết rất thú vị về vụ Cô Gái Đồ Long, nhưng cái phần “tái bút” ở cuối bài “Entry này không nhận comment. Bất kỳ comment nào cũng sẽ bị xóa” cho thấy vị học giả này cũng ý thức được những nguy cơ tiềm ẩn đối với mình.
Blogger Osin từng có một bài viết – trước khi phải đóng cửa blog của mình không lâu – với nhan đề: “Các bạn thì ảo, còn tôi thì thực“, trong đó kêu gọi khách viếng thăm hãy cẩn trọng với từng còm men.
Lời nhắn của Beo, “tái bút” của Đông A hay bài tâm tình của Osin là điều dễ hiểu, bởi theo luật pháp Việt Nam, chủ nhân blog phải chịu trách nhiệm đối với tất cả các nội dung đăng tải trên trang của mình. Một còm men “nhạy cảm” của một “anh hùng nặc danh” (khổ thay, dạng “anh hùng” này ngày càng nhiều) nào đó có thể đẩy chủ nhân blog vào tù.
Tôi nhớ, cách đây ít lâu, hôm sau ngày luật sư Lê Công Định và vài người nữa bị bắt, tôi và mấy người bạn ngồi trong quán Serenata sau Nhà tang lễ TP.HCM. Một chuyện thời sự như vậy là đề tài một cách tự nhiên bên ly cà phê nhàn nhạt. Nhưng khi chuyện mới khởi đầu, một người bạn tôi đã lên tiếng: “Thôi, đừng nói mấy chuyện ấy nữa. Không thì rắc rối đấy”. Tôi cười: “Ơ, thời đại này là thời đại nào?!”. Người bạn kia cũng cười: “Thời đại đi nhẹ, nói khẽ”.
————
Hôm trước đi uống bia, nàng thỏ thẻ: “Không hay đâu. Có gì viết thì đưa cho em đọc thôi nhé. Đừng có pót linh tinh”. Tôi cười. Làm sao có thể cưỡng lại đề nghị của nàng chứ
(Nguồn: BLog Mr. Do)